NHỮNG CON ĐƯỜNG "ĐẮT NHẤT HÀNH TINH":

Hậu quả của tư duy “tiền nhà nước”

Hậu quả của tư duy “tiền nhà nước” ảnh 1

Nếu đền bù giải tỏa kết hợp khai thác quỹ đất hai bên đường, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. HCM) sẽ khang trang hơn, ngân sách sẽ không tốn đến hơn 721 tỉ đồng giải phóng mặt bằng (85% kinh phí dự án) - Ảnh: Khả Hòa

Nếu mạnh dạn, Nhà nước sẽ không tốn đồng nào

Tiến sĩ Vũ Xuân Hòa (khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa TP.HCM) đồng tình với cách làm: Thay vì chỉ thu hồi đất đủ chiều rộng của con đường theo thiết kế thì nên giải tỏa sâu vào hai bên đường, nhằm kết hợp xây dựng giao thông với chỉnh trang đô thị. Ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM, cũng khuyến khích công tác giải phóng mặt bằng nên gắn liền với quy hoạch cả một khu vực, một tuyến đường chứ không nên làm lắt nhắt, manh mún như hiện nay vì sẽ khiến việc xây dựng giao thông và chỉnh trang đô thị luôn bị "lệch pha".

Ông Sanh nói: "Cách làm này đã được các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc áp dụng từ lâu, tại nước ta cũng có Đà Nẵng ứng dụng thành công nên không lý gì TP.HCM hoặc Hà Nội không làm được". Theo ông Sanh, tại dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM), các chuyên gia cũng đã đưa ra phương án đền bù giải tỏa kết hợp khai thác quỹ đất hai bên đường nhưng không thực hiện được, dẫn đến kết quả là dự án có tổng mức đầu tư trên 852 tỉ đồng, thì riêng kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 721 tỉ đồng, tương đương 85%.

Ông Sanh thì cho rằng, sở dĩ hiện nay không có địa phương nào mặn mà với cách làm "hiển nhiên đúng" này là có thể do để thực hiện nó tốn thêm thời gian tính toán phương án quy hoạch, phương án đấu giá đất lại phức tạp, hơn nữa cũng không dễ vận động người dân có nhà bị giải tỏa nên các cơ quan chức năng ngại khó.

Tuy nhiên, một cán bộ làm quy hoạch thuộc Bộ Xây dựng nói với PV rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ cơ chế sử dụng tiền ngân sách nhà nước trong các dự án này. Nếu mạnh dạn thực hiện theo hình thức xã hội hóa thì thậm chí Nhà nước sẽ không tốn một đồng cho việc mở rộng các con đường, đặc biệt là đường trong nội đô, nơi được biết đến với những "khu đất vàng".

Cơ hội thay đổi

Để nâng diện tích giao thông lên 20% như kế hoạch thì Hà Nội sẽ còn  phải mở rộng rất nhiều con đường và nếu cứ lấy giá đền bù trung bình là 40 triệu đồng/m2 ở đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu thì riêng Hà Nội sẽ phải chi gần 900.000 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng. GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, nói rằng đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đang được lập (dự kiến ban hành vào tháng 10.2010) là một cơ hội để thay đổi hoàn toàn cách làm về quy hoạch và đền bù giải tỏa trong nội đô.

Thứ nhất, quy hoạch Hà Nội mới sẽ tạo cơ hội phủ quyết quy hoạch Hà Nội năm 1998, nơi mà chỉ vạch chỉ giới đường mà không tính đến việc tận dụng quỹ đất hai bên đường giống như một nguồn vốn. Nếu làm tốt và tính toán đầy đủ trong quy hoạch, sẽ có thể khắc phục được chuyện Nhà nước phải chi quá nhiều tiền nhưng vẫn có những con phố nhếch nhác, khi mà Hà Nội sẽ còn phải tiếp tục mở đường vành đai 1,5 rồi vành đai 2.

Thứ hai, việc xác định các dự án ngay khi làm quy hoạch rất quan trọng vì nó giúp giải quyết bài toán về nguồn tiền để thực hiện quy hoạch. Được biết, Liên doanh tư vấn quốc tế PPJ khi tư vấn quy hoạch Hà Nội mới cũng đã gợi ý việc không sử dụng tiền ngân sách trong một số dự án giao thông tại Hà Nội. Nhưng câu chuyện về việc liệu quy hoạch Hà Nội mới có giúp giải quyết vấn đề này không lại nằm ở việc chính quyền Hà Nội có tích cực phối hợp với cơ quan chủ trì làm quy hoạch mới là Bộ Xây dựng hay không? Có một thực tế lâu nay rằng, các bản quy hoạch đô thị thường được vẽ đẹp nhưng tính khả thi không cao do thiếu thực tế.

Khi đã giải quyết được bài toán về quy hoạch thì khâu thực hiện (mà chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng) lúc đó quyết định đến sự thành công của một ý đồ. Ông Phan Phùng Sanh gợi ý, kinh nghiệm để thực hiện phương pháp giải tỏa theo đề xuất mới (lấy rộng về hai bên đường để làm tuyến phố) là các cấp lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị và sự sâu sát để thuyết phục người dân, nhất là những hộ thuộc phần đất giải tỏa ngoài phạm vi thiết kế con đường. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, khi giải tỏa hàng trăm ngàn hộ dân vào năm 2000 để khôi phục lại tuyến kênh qua TP Seoul, các lãnh đạo TP này đã có hàng trăm lần trực tiếp xuống họp, giải thích, thuyết phục người dân.

Cuối cùng thì quyết tâm chính trị của người lãnh đạo mới là quyết định cho việc thành công hoặc thất bại của một ý tưởng, một dự án, nhất là các dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, vốn phức tạp. Điều này thì Hà Nội thực sự rất có kinh nghiệm trong bài học về đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa; nếu ngày đó (năm 2005), chính quyền Hà Nội vượt qua được thách thức là sự phản ứng thái quá của người dân (mà không phải lúc nào cũng đúng) thì có lẽ thủ đô đã có được kinh nghiệm để mở một con đường đẹp lại không quá tốn kém.

Theo An Nguyên - Phương Thanh (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm