Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHA) ngày 6-2 sẽ thảo luận về tình hình hiện tại ở TP Idlib, tây bắc Syria, hãng Reuters dẫn một nguồn tin của HĐBA cho biết ngày 5-2.
Theo nguồn tin, cuộc họp diễn ra theo lời kêu gọi của Mỹ, Pháp và Anh.
Mỹ tăng cường cảnh báo Nga
Mỹ ngày 5-2 tăng cường cảnh báo đối với Nga liên quan tới chính sách Syria của nước này. Mỹ nói rằng Nga đang cố gắng thách thức sự hiện diện của Mỹ ở đông bắc Syria khi vi phạm các điều khoản của một thỏa thuận giảm xung đột và cũng đang thúc đẩy leo thang cuộc chiến ở tỉnh Idlib.
Quân đội Syria. Ảnh: SANA
Ông James Jeffrey, đặc phái viên của Mỹ về Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nói rằng Mỹ “rất rất lo lắng” về cuộc tấn công của chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn ở Idlib. Ông Jeffrey nhắc lại lời kêu gọi Moscow chấm dứt điều này.
“Đây là một cuộc xung đột rất nguy hiểm. Nó cần phải đi đến hồi kết. Nga cần thay đổi các chính sách của mình” - ông Jeffrey nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo ngược quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria sau sự phản đối của Quốc hội. Ông Trump đã thông báo để lại khoảng 600 binh sĩ, phần lớn là ở đông bắc Syria, để tiếp tục cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, ở tây bắc Syria, Mỹ không có binh sĩ nào ở đó và do đó có rất ít đòn bẩy chống lại Nga và chính phủ Syria để xác lập vị trí của mình.
Tình trạng bạo lực ở tỉnh Idlib leo thang trầm trọng những tháng gần đây bất chấp nhiều nỗ lực ngừng bắn, kể cả lệnh ngừng bắn hồi tháng 1.
Hôm 5-2, quân chính phủ Syria đã tiến vào TP Saraqeb ở Idlib trong nỗ lực tái chiếm thành trì cuối cùng còn nằm trong tay phe nổi dậy này, một nhân chứng cho biết.
Theo hãng tin TASS, việc quân đội Syria kiểm soát thành công TP Saraqeb có thể đưa tới sự thất bại của các nhóm vũ trang đang hoạt động ở phía bắc Syria.
“Chúng tôi nhìn thấy không chỉ người Nga mà còn người Iran và phong trào Hezbollah tích cực ủng hộ cuộc tấn công của chính phủ Syria. Chúng tôi không biết liệu cuộc tấn công này chỉ là chiếm tuyến đường M4-M5 hay còn tiếp tục nữa" - ông Jeffrey nói, nhắc tới các đường cao tốc chiến lược nối tỉnh Aleppo của Syria với tỉnh Hama và Latakia trên bờ biển Địa Trung Hải.
Theo ông Jeffrey, Nga có thể thay đổi các chính sách của mình và đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế mà không lật độ Tổng thống Syria Bashar al-Assaad.
“Những yêu cầu này không phải không có lý… Những yêu cầu này đòi sự thay đổi trong hành vi của chính phủ Assad. Chính phủ đó sẽ không tồn tại nổi trong một tuần nếu không có sự hỗ trợ của Nga” - ông Jeffrey nhấn mạnh.
Nga vi phạm thỏa thuận giảm xung đột
Khu vực đông bắc Syria là một chiến trường phức tạp với các lực lượng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng với chính phủ Syria và lực lượng dân quân Iran hoạt động.
Nga đang lấp khoảng trống sau khi Mỹ rút khỏi khu vực. Nga đang tăng cường hiện diện quân sự ở đông bắc Syria và các thỏa thuận giảm xung đột giữa hai bên đảm bảo không xảy ra bất kỳ xung đột nào.
Tuy vậy, ông Jeffrey ngày 5-2 nói rằng đã có nhiều vụ đụng độ khi Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận giảm xung đột và ông mô tả đó là nỗ lực thách thức sự hiện diện của Mỹ tại đông bắc Syria.
“Chúng tôi chứng chiến một lượng nhỏ các vụ đụng độ ở đó, nơi họ đã cố tiến sâu vào khu vực mà chúng tôi và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang tuần tra bên trong các đường cơ bản mà chúng tôi vạch ra. Đó là những điều khiến tôi lo lắng”.
Ông Jeffrey nói rằng mặc dù số lượng vụ đụng độ như vậy không cao lắm nhưng chúng đang gia tăng. Ông Jeffrey kêu gọi Nga tuân thủ hoàn toàn các thỏa thuận giảm xung đột với Mỹ.
Cảnh báo thảm họa nhân đạo ở tây bắc Syria
Theo kênh Al Jazeera, tám tổ chức viện trợ nhân đạo đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở tây bắc Syria, nơi các hành động thù địch đã buộc nửa triệu người di tản trong hai tháng qua.
Tình trạng bạo lực ở Idlib buộc 520.000 rời bỏ nhà cửa kể từ đầu tháng 12-2019, theo LHQ.
Hơn 500.000 người buộc di tản từ tháng 12-2019 khi quân chính phủ Syria tấn công Idlib. Ảnh: REUTERS
Các nhóm viện trợ nhân đạo, trong đó có Hội đồng tị nạn Na Uy, Cứu trợ trẻ em, Ủy ban chăm sóc và giải cứu quốc tế, đã dán nhãn tình hình này là “thảm họa nhân đạo”.
Họ kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức chiến sự, đồng thời mở hành lang an toàn ngay lập tức cho hàng triệu người bị mắc kẹt”.
Ông Jan Egeland, người đứng đầu Hội đồng tị nạn Na Uy, cảnh báo rằng những người tị nạn mới đến sẽ không còn lựa chọn nào để đi.
“Những khu trại đang tiếp nhận số lượng người gấp năm lần so với kế hoạch và giá cho thuê tăng vọt ở các thị trấn tây bắc. Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy để những gia đình này tìm sự an toàn hoặc băng qua biên giới hoặc ở những khu vực Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Syria” - ông Egeland nói.
Ông Andrew Morley, người đứng đầu Tổ chức Tầm nhìn thế giới, cho biết những đứa trẻ phải ngủ trên những cánh đồng ngập nước và một số gia đình thậm chí còn đốt quần áo của họ để giữ ấm.
“Cuộc di cư của mọi người gây sửng sốt và ngày càng có thêm hàng vạn người cùng chung cảnh ngộ đó mỗi ngày” - ông Morley nói.
Các bác sĩ cho hay thời tiết lạnh giá, bệnh tật và thiếu nơi ở và thuốc men tiếp tục đe dọa hàng trăm ngàn dân thường khi họ chạy nạn ở Idlib.
“Mọi người đang đối mặt với một thảm kịch. Trong hai tuần qua, thời tiết rất rất lạnh. Có mưa và bùn lầy và bệnh cúm đang lây lan” - ông Wassim Zakaria, một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Idlib, cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3-2 nói rằng tình trạng bạo lực đã buộc 53 cơ sở y tế ở tây bắc Syria đóng cửa hồi tháng 1. WHO còn cảnh báo “các mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng” với những người tị nạn.