Hộ khẩu gia đình (tiếng Hán là “hukou”) tồn tại ở Trung Quốc từ đầu triều đại nhà Hạ (năm 2100 trước Công nguyên - 1600 trước Công nguyên). Trong các thế kỷ tiếp theo, hộ khẩu gia đình phục vụ cho mục đích thuế, nghĩa vụ quân sự và kiểm soát xã hội.
Năm 1958, chính phủ Trung Quốc chính thức ban hành hệ thống hộ khẩu gia đình để kiểm soát việc di chuyển của người dân giữa các vùng nông thôn và thành thị. Hộ khẩu giúp hạn chế việc di cư ồ ạt từ nông thôn ra TP, đảm bảo nguồn nhân lực chi phí thấp cho nhiều doanh nghiệp nhà nước. Ngày nay, hộ khẩu vẫn là thủ tục bắt buộc trong luật pháp Trung Quốc.
Việc đăng ký hộ khẩu giúp xác định chính thức một người là công dân tại một khu vực, kèm theo những thông tin như tên, cha mẹ, vợ chồng, ngày tháng năm sinh. Năm 2001, hệ thống hộ khẩu được nới lỏng. Từ đó đến nay vẫn có rất nhiều ý kiến tại Trung Quốc đòi đẩy mạnh cải cách hệ thống này.
Hộ khẩu ở Nhật Bản gọi là “koseki”. Pháp luật Nhật Bản yêu cầu tất cả hộ gia đình phải khai báo ngày sinh, giấy chứng nhận quyền cha mẹ, chứng nhận nuôi con, những thay đổi trong việc nhận nuôi, khai tử, kết hôn và ly hôn với chính quyền địa phương.
Việc kết hôn, nhận nuôi con và quyền cha mẹ chỉ hợp pháp khi được ghi lại trong hộ khẩu. Việc sinh con và khai tử được công nhận ngay tại thời điểm xảy ra nhưng phải được các thành viên trong gia đình nộp đơn. Một số bài báo lên án “koseki”, cho rằng đó là một hệ thống lỗi thời, tạo lỗ hổng để người trẻ trong các gia đình được nhận lương hưu của những người thân đã khuất.
Tại Hàn Quốc, hệ thống hộ khẩu gọi là “hoju” gây ra nhiều tranh cãi. Hệ thống này bị cho là gây ra thói gia trưởng trong các gia đình, vi phạm quyền bình đẳng giới. Vì vậy “hoju” đã được bãi bỏ vào năm 2008.
Hộ khẩu tại Thái Lan (được gọi là “Tabien Baan”) do chính quyền địa phương ban hành cho những công dân có nơi thường trú hoặc tạm trú hợp pháp tại nhà của họ hoặc địa chỉ được đăng ký trong hộ khẩu.
Tuy nhiên, nó không chứng minh quyền sở hữu bất động sản của các cá nhân mà chỉ là giấy tờ đăng ký địa chỉ chính thức của một ngôi nhà hoặc căn hộ, giúp chứng minh việc cư trú hợp pháp của một người nào đó, được sử dụng làm địa chỉ cho các dịch vụ và chuyển phát thư tín. Cả người Thái Lan và người nước ngoài đều có thể được cấp loại giấy tờ này.