Vụ sạt lở nói trên xảy ra vào khuya 1-7-2015 tại đoạn bờ sông Sài Gòn rộng hàng ngàn mét vuông ở cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM).
Vụ sạt lở đã cuốn phăng một cây cầu và một đoạn tường rào dài hơn 100 m bao quanh công trình xây dựng kế bên. Đáng chú ý, ở thời điểm này, một gia đình gồm hai vợ chồng và con trai ba tuổi đang ngủ bên trong cũng bị cuốn xuống sông. May mắn cả ba được những người trên chiếc ghe đậu gần bờ cứu sống.
Hiện trường vụ sạt lở vẫn còn ngổn ngang như hơn một năm trước đây. ẢNH: THANH TUYỀN
Khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường, điều tra rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, kể từ thời điểm xảy ra sự việc đến nay, hiện trường vụ sạt lở vẫn để nguyên hiện trạng, chưa được xử lý rốt ráo theo mong muốn của người dân.
Sáng 10-1, quay lại hiện trường vụ sạt lở, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận hiện trường vẫn còn ngổn ngang. Chỉ có hai mốc cảnh báo điểm sạt lở và khu vực thường xuyên xảy ra triều cường được dựng lên gần đó.
Những hàng rào chắn xung quanh ngôi nhà vẫn còn nguyên như trước
Mặt trước ngôi nhà bị trôi xuống sông mọc đầy cỏ và vỡ thành từng mảng
Ông HVC (60 tuổi, một người dân ở gần khu vực này) nói: “Đã qua hơn một năm rồi mà tôi thấy nó vẫn ngổn ngang như vậy đó. Người ta thì đã di dời đi nơi khác rồi nhưng còn người dân ở gần đây như chúng tôi thấy mà khó chấp nhận được. Mong là cơ quan chức năng sẽ sớm giải quyết, không để kéo dài thêm."
Mốc cảnh báo triều cường được đặt lọt thỏm dưới hố sâu gần căn nhà bị nước cuốn
Chị NTT bày tỏ: “Để ngổn ngang như vậy thực ra không phải là cách hay. Tôi nghĩ phải nhanh chóng dọn dẹp rồi tính toán cho an toàn của người dân. Nhiều người không biết vẫn đến đây câu cá, rất nguy hiểm."
Biển cảnh báo về khu vực sạt lở cũng được đặt gần đó
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, thông tin Ủy ban quận đã có trình báo UBND TP về việc xây dựng kế hoạch cụ thể các phương án để xử lý nhưng vì còn khó khăn trong điều vốn nên đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.