Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm giấy khai sinh

(PLO)- Giấy khai sinh tưởng chừng là vật bất ly thân từ lúc sinh ra nhưng có một số trẻ em vì hoàn cảnh riêng vẫn chưa được cấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Có giấy khai sinh, con tôi sẽ bắt đầu được đi học, dù có trễ hơn các bạn khác nhưng đây sẽ là hành trang để con tôi bước vào tương lai” là chia sẻ của chị NTNS (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) trong chương trình “Trang mới cuộc đời - Nếu có một điều ước”, do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - United Way Việt Nam tổ chức vào ngày 20-1.

Niềm vui từ giấy khai sinh

Chị S cho biết chị và chồng cưới nhau hơn sáu năm nay nhưng không đăng ký kết hôn vì chồng chị không có giấy tờ tùy thân.

Năm 2019 chị sinh một bé trai, vợ chồng chị đặt tên cho bé là LGH. Sau khi sinh con, chị đến UBND phường làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con nhưng cán bộ phường nói không thể để tên cha trong giấy khai sinh vì cha không có giấy tờ tùy thân. Rất nhiều lần gia đình chị liên hệ đến cơ quan chức năng xin được hướng dẫn tiếp thủ tục đăng ký khai sinh cho con được mang họ cha nhưng bị bế tắc. Sau đó, chị biết đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và đến nay con chị đã có giấy khai sinh có tên cha.

“Tôi rất vui và hạnh phúc trước sự hỗ trợ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và tổ chức MSD. Thế là sau hơn năm năm chờ đợi, nay con tôi đã có giấy khai sinh có tên cha để được đến trường như bao bạn khác. Ngoài ra, có giấy khai sinh, con tôi được cấp BHYT miễn phí, được hưởng nhiều quyền lợi của trẻ em. Dù con tôi được cấp giấy khai sinh trễ nhưng đây là một hành trang để con tôi bước vào đời. Hy vọng sau này con tôi sẽ có tương lai tươi sáng” - chị S chia sẻ.

w-P13_khai-sinh_h1 .jpg
Bà Nguyễn Phương Linh và ông Huỳnh Tấn Đạt trao giấy khai sinh cho một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: VÕ THƠ

Khác với hoàn cảnh của chị S, chị LTT (ngụ quận 1, TP.HCM) tâm sự vì hoàn cảnh gia đình, chị sinh ra và lớn lên không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào ngoại trừ giấy khai sinh.

Năm 2019, chị lập gia đình và sinh con. Cũng bởi không có CCCD nên con chị không được cấp giấy chứng sinh khi xuất viện. Nay con chị đã năm tuổi nhưng vẫn chưa được cấp giấy khai sinh. Mới đây chị biết đến chương trình này và hiện đã được hỗ trợ xét nghiệm ADN, thực hiện các bước tiếp theo để được cấp giấy khai sinh cho con chị.

Viết tiếp trang mới cuộc đời

Phát biểu tại chương trình, ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, chia sẻ: “Trong hành trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trẻ em có những hoàn cảnh khó khăn chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi trẻ em đều có một hoàn cảnh riêng và có những trẻ rơi vào trường hợp rất đặc biệt. Chính vì thế, việc hỗ trợ đăng ký giấy khai sinh cho các em đôi khi cũng không dễ dàng”.

Để thực hiện hỗ trợ các em có giấy khai sinh, trung tâm đã tập huấn cho các cộng tác viên tại các mái ấm, nhà mở. Đồng thời, trung tâm phối hợp với MSD để hỗ trợ về thủ tục. Về nguyên tắc trợ giúp thì trung tâm chỉ hỗ trợ về mặt pháp lý, MSD đã vận động, hỗ trợ về mặt kinh phí để thực hiện các bước thực hiện thủ tục đăng ký giấy khai sinh như xét nghiệm ADN, kinh phí hỗ trợ các em…

Nhận được giấy khai sinh, em TTTT xúc động bên mẹ
Nhận được giấy khai sinh, em TTTT xúc động bên mẹ. Ảnh: VÕ THƠ

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, cho biết giấy khai sinh tưởng chừng là vật bất ly thân, ai cũng có. Tuy nhiên, nhiều trẻ em sinh ra vì hoàn cảnh mà không có giấy khai sinh.

Đặc biệt, giấy khai sinh là khởi đầu cho nhiều loại giấy tờ khác để sau này các em được đi học, đi làm, hưởng BHYT và các quyền lợi hợp pháp của các em.

“Thời gian đầu khi chúng tôi thực hiện các chương trình chăm sóc, hỗ trợ, mọi thứ vô cùng khó khăn. Tôi nhớ như in ánh mắt của cậu bé 14 tuổi nói với tôi rằng “Cô ơi, hỗ trợ cũng thế thôi bởi vì con không có giấy khai sinh, con là người vô hình”. Một tờ giấy mà biến đứa trẻ thành vô hình trước những quyền lợi hợp pháp, cơ hội mà đáng lẽ được hưởng. Chính câu nói đó đã là nỗi trăn trở và động lực để chúng tôi thực hiện chương trình trao giấy khai sinh” - bà Linh nhớ lại.

Hỗ trợ gần 300 trẻ khó khăn có giấy khai sinh

“Trang mới cuộc đời - Nếu có một điều ước” là sự kiện trong chiến dịch truyền thông và gây quỹ thường niên do MSD thực hiện.

Sự kiện nhằm tạo ra một không gian truyền cảm hứng và kêu gọi sự chung tay hỗ trợ giúp hiện thực hóa ước mơ của mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em chưa có giấy khai sinh và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do MSD hỗ trợ.

Đi qua hành trình hơn 10 năm, “Trang mới cuộc đời - Nếu có một điều ước” đã trao gần 300 giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, chương trình còn hỗ trợ giáo dục, y tế, dinh dưỡngkỹ năng sống cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và gia đình.

NGUYỄN PHƯƠNG LINH, Viện trưởng Viện MSD

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm