Theo đó, Bộ Tài chính cho biết căn cứ vào Hiệp định Thương mại biên giới giữa Lào và Việt Nam được ký kết từ 27-6-2015, Bộ Tài chính giao cho Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum kiểm tra cụ thể số đường mía do công ty nhập về Việt Nam.
Nếu kết quả kiểm tra cụ thể số đường mía do công ty nhập khẩu về Việt Nam đúng là được sản xuất theo dự án mà HAGL đầu tư ra nước ngoài tại tỉnh Attapeu (Lào) và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu S do cơ quan có thẩm quyền phía Lào cấp thì được áp thuế suất 0%.
Trước đó, HAGL đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan về việc tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam của công ty.
Theo đó, HAGL cho biết vừa qua công ty đã được Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho phép công ty nhập sản phẩm đường do HAGL sản xuất theo dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh Attapeu.
Việc nhập sản phẩm mía đường được thực hiện theo Hiệp định Thương mại biên giới Lào-Việt đã có hiệu lực và công ty đã được cấp giấy chứng nhận thương nhân biên giới theo văn bản do UBND tỉnh Kon Tum cấp. Tuy nhiên, công ty gặp khó khăn khi xác định thuế nhập khẩu đường mía từ Lào về Việt Nam.
HAGL cho biết hiện nay do chưa có thông tư hướng dẫn của liên bộ về thủ tục thực hiện thuế xuất nhập khẩu mặt hàng đường mía theo Hiệp định biên giới nên Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum chưa có cơ sở áp dụng mức thuế suất 0% đối với mặt hàng đường mía nhập khẩu từ Attapeu, Lào. Theo đó, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum vẫn yêu cầu công ty phải nộp 85% thì mới được thông quan.
Theo nguồn tin, ngày 20-5, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị bộ này sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt-Lào để Bộ Tài chính có cơ sở ban hành thông tư hướng dẫn về thuế nhập khẩu.