Hội đồng Bảo an LHQ có thể bỏ phiếu về Myanmar trong ngày mai

(PLO)- Trong ngày 21-12, Hội đồng Bảo an LHQ có thể sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết yêu cầu chấm dứt khủng hoảng ở Myanmar và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho các tù nhân chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-12, các nguồn tin ngoại giao cho biết trong ngày 21-12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) có thể sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết yêu cầu chấm dứt khủng hoảng ở Myanmar và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, theo hãng tin Reuters.

Dự thảo nghị quyết mà các nguồn tin tiết lộ với Reuters bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" trước tình trạng khẩn cấp đang diễn ra tại Myanmar và "tác động nghiêm trọng" của nó đối với người dân nước này.

Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: REUTERS

Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: REUTERS

Dự thảo kêu gọi các bên có "hành động cụ thể và ngay lập tức" để thực hiện kế hoạch hòa bình đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí. Văn bản cũng kêu gọi các bên "duy trì các thể chế và quy trình dân chủ cũng như theo đuổi đối thoại và hòa giải mang tính xây dựng, phù hợp ý chí và lợi ích của các quốc gia và người dân.

Từ tháng 2-2021, Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội lật đổ chính phủ thành lập thông qua bầu cử của bà Aung San Suu Kyi. Sau khi lên nắm quyền, quân đội đã giam giữ bà Suu Kyi và các quan chức khác.

HĐBA từ lâu đã bị chia rẽ về vấn đề Myanmar khi nhiều nhà ngoại giao nói rằng Trung Quốc và Nga có thể sẽ bảo vệ chính quyền quân sự, theo Reuters. Cho đến nay, hai nước này mới chỉ đồng ý với một số tuyên bố chính thức về Myanmar.

Các cuộc đàm phán về dự thảo nghị quyết do Anh soạn thảo đã bắt đầu vào tháng 9. Văn bản ban đầu kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc chuyển giao vũ khí cho Myanmar và đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, sau đó ngôn từ trong văn bản đã được thay đổi.

Để được thông qua, một dự thảo nghị quyết của HĐBA cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp hoặc Anh.

"Chúng tôi vẫn đang xem xét dự thảo nghị quyết" - Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói.

Ông nói thêm rằng Moscow lo ngại dự thảo nghị quyết có thể ảnh hưởng đến tiến trình ở Myanmar. Ông cho rằng "chính quyền [quân sự] Myanmar sẽ không hợp tác nếu [LHQ] thông qua một điều gì đó mà chính quyền này không chấp nhận".

Đại sử Trung Quốc tại LHQ hiện chưa lên tiếng về dự thảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm