Bài viết nhận định cũng vì Trung Quốc (TQ) mà ASEAN rơi vào tình thế bất hòa hơn bao giờ hết. ASEAN không đạt được đồng thuận bởi Campuchia và Lào là hai quốc gia nghèo cố bám lấy viện trợ và đầu tư của TQ.
AFP dẫn lời một nhà ngoại giao của ASEAN (giấu tên) nói với AFP hôm 23-7: “TQ đã thành công trong việc chia rẽ ASEAN về vấn đề biển Đông thông qua các đồng minh Lào và Campuchia”. Nhà ngoại giao nhận định thái độ bất lực của ASEAN trong việc duy trì đoàn kết sẽ phá vỡ ASEAN với tư cách một khối khu vực.
Nhà ngoại giao này khẳng định hiện thời chỉ còn Campuchia cản trở nên tuyên bố chung của ASEAN không đạt đồng thuận. Nhà ngoại giao nói: “Điều này rất nghiêm trọng. Campuchia gần như phản đối hết, ngay cả câu trích dẫn về tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao đã từng nêu trong các tuyên bố chung trước”.
AFP cho biết đã có trong tay bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị ASEAN lần này. Đoạn nói về biển Đông hoàn toàn để trắng.
Nhà ngoại giao nêu trên cho biết Lào có quan hệ chặt chẽ với TQ nhưng với tư cách nước chủ tịch hội nghị ASEAN, Lào cố gắng để hội nghị ra được tuyên bố chung nếu tuyên bố chung có lời lẽ thuận tai. Cuối cùng, nhà ngoại giao ghi nhận: Thật ra Lào cũng chẳng cần quyết định gì vì chỉ cần một nước phản đối thì cũng sẽ không có tuyên bố chung.
Hôm 22-7, một nhà ngoại giao khác nói với AFP rằng các cuộc đàm phán dường như đi vào ngõ cụt. Nhà ngoại giao cho biết Campuchia vẫn giữ quan điểm cứng rắn, còn Lào không nói gì hết và núp sau vai trò chủ tịch ASEAN nhưng vẫn giữ kẽ để không tỏ thái độ chống TQ.
Chuyên gia Richard Javad Heydarian ở ĐH De La Salle (Philippines) nhận xét:“ASEAN đau khổ vì tê liệt cơ chế nội tại. Một số nước chính của ASEAN thất vọng vì TQ chủ yếu đã mua lòng trung thành của một số nước nhỏ trong ASEAN”.
Chuyên gia Carl Thayer ở ĐH New South Wales (Úc) gợi ý ASEAN sẽ vẫn có thể đồng thuận về một tuyên bố chung về biển Đông nhưng tuyên bố chung sẽ không nêu đến TQ và cũng không nêu phán quyết từ trọng tài. Từ đó ông đặt câu hỏi: “Vậy thì tính chất lãnh đạo của ASEAN ở đâu?”.
Trong khi đó, Reuters ngày 23-7 đưa tin Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ khuyến khích các nước ASEAN tìm kiếm mọi giải pháp ngoại giao để tiến hành thương thảo với TQ nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông sau khi Tòa Trọng Tài công bố phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của TQ.
Ngày 25-7, ông John Kerry sẽ đến thủ đô Vientiane (Lào) để tham dự hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Trước chuyến đi của ông, một quan chức Mỹ nói với báo giới ông John Kerry củng cố hy vọng rằng các bên sẽ nỗ lực trên tinh thần xây dựng để tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm kiến tạo hòa bình ở biển Đông. Quan chức này nhấn mạnh điều quan trọng là các nước ASEAN phải lên tiếng nói và đạt đến đồng thuận về các vấn đề, trong đó có biển Đông.