Ngày 17-11, hội thảo khoa học quốc gia “Bộ tứ kim cương trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tổ chức đã thu hút đông đảo nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên tham dự.
Đối thoại An ninh Tứ giác (hay còn gọi là QUAD, Bộ tứ kim cương) là đối thoại chiến lược không chính thức giữa bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, đã và đang tác động đến nhiều khía cạnh của cấu trúc an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) nói rằng từ khi ra đời năm 2007 QUAD đã dần mở rộng ra hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh, kinh tế, y tế... và cơ chế hợp tác này nhận được sự thu hút quan tâm rộng rãi của giới nghiên cứu trong lĩnh vực Quan hệ quốc tế.
“Hội thảo này là diễn đàn học thuật quan trọng, giúp giới lãnh đạo, nghiên cứu trao đổi, bàn luận những quan điểm đa chiều, qua đó có thể đưa ra những khuyến nghị, đề xuất giải pháp cho Việt Nam cũng như khu vực nhằm có những sự chuẩn bị trong bối cảnh mới” - TS. Lê Hoàng Dũng chia sẻ.
Phát biểu dẫn đề hội thảo, GS.TS. Hoàng Khắc Nam – Nguyên Trưởng Khoa Quốc tế học - Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho biết có rất nhiều quan điểm và câu hỏi đặt ra khi nghiên cứu QUAD.
Chẳng hạn như mối liên hệ giữa QUAD đối với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc; sự thay đổi chính sách của Mỹ với các đồng minh, đối tác với khu vực, từ hợp tác song phương “trục nan hoa” đến hợp tác đa phương; xu hướng phát triển của QUAD; QUAD và sự cạnh tranh nước lớn ở khu vực.
Theo GS.TS. Hoàng Khắc Nam, hội thảo có nhiều ý nghĩa khi đề cập những vấn đề mới trong nghiên cứu về QUAD như hợp tác tiểu đa phương, an ninh hàng hải... và điều này sẽ gợi ý cho Việt Nam những góc nhìn và sự chọn lựa trong một khu vực năng động và đầy tính cạnh tranh này.
Hội thảo khoa học quốc gia “Bộ tứ kim cương trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” gồm hai phiên. Phiên thứ nhất là “QUAD: Cơ sở lý luận và các vấn đề chính sách” và phiên thứ hai là “QUAD: Những tác động đến khu vực và Việt Nam”.
Các bài viết ở chủ đề thứ nhất tập trung vào các vấn đề như sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ góc nhìn hệ thống - cấu trúc, sự hình thành và phát triển của QUAD từ góc nhìn chủ nghĩa đa phương và tiểu đa phương, quyền lực mềm QUAD, những định hướng về chính sách của QUAD trong thời gian tới...
Các bài viết ở nhóm chủ đề thứ hai khai thác các nội dung thực tiễn và tính thời sự, tiêu biểu là chính sách cụ thể của các quốc gia thành viên QUAD, hợp tác an ninh hàng hải trong nhóm QUAD, QUAD và yếu tố Trung Quốc, ứng xử của ASEAN với QUAD, việc triển khai chính sách của QUAD và tác động đến Việt Nam trên các lĩnh vực chủ chốt.
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCMbên lề hội thảo, TS. Nguyễn Tăng Nghị - Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế cho biết hội thảo này nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Quan hệ Quốc tế.
Phó Trưởng khoa chia sẻ rằng hội thảo lần này thành công vì đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, đơn vị truyền thông, sinh viên trong và ngoài nhà trường.
Cạnh đó, các phiên thảo luận của hội thảo đã cung cấp những thông tin trải rộng trên nhiều khía cạnh khác nhau về bộ tứ QUAD, đặc biệt là sự hình thành và phát triển của bộ tứ cũng như tác động của thể chế này đối với Việt Nam.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Tăng Nghị, một điểm nổi bật nữa của hội thảo lần này là hội thảo có sự tham gia của các sinh viên, học viên cùng thảo luận với các chuyên gia.
Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế chia sẻ rằng trong tương lai khoa này sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo cấp quốc gia và quốc tế với những chủ đề có sức hấp dẫn tương tự để sinh viên, học viên có thể gia tăng kiến thức, kinh nghiệm và khả năng tư duy trong các vấn đề quan hệ quốc tế.