Tờ Straits Times dẫn thông tin từ một bài đăng trên trang web của Trung tâm Y tế Chi Mei, về thông tin một người phụ nữ có tên Xiao Yu (20 tuổi) đã các bác sĩ của bệnh viện ở TP Đài Nam phẫu thuật loại bỏ hơn 300 viên sỏi thận.
Sỏi thận vì thiếu nước
Cô được đưa đến trong tình trạng sốt cao và đau dữ dội ở vùng lưng dưới. Qua siêu âm, các bác sĩ tại khoa cấp cứu phát hiện thận của bệnh nhân này bị sưng tấy chứa dịch và có sỏi thận bên trong.
Qua quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định và xuất viện sau vài ngày theo dõi. Trung tâm Y tế Chi Mei thông tin rằng, Xiao Yu không thích uống nước và thay vào đó thường uống trà sữa trân châu.
Bác sĩ Lim Chye-yang, chuyên khoa Tiết niệu, người thực hiện ca phẫu thuật của Xiao Yu, cho biết 9,6% người dân Đài Loan (Trung Quốc) có thể bị sỏi thận trong suốt quãng đời của họ với tỉ lệ mắc cao hơn ở nam giới, đặc biệt ở độ tuổi 50-60.
Theo bác sĩ Lim, các trường hợp sỏi thận phổ biến hơn vào mùa xuân và mùa hè. Do thời tiết nóng bức, mọi người có thể bị mất nước nhiều hơn. Khi nước tiểu cô đặc hơn, các khoáng chất kết hợp và kết tinh tạo thành sỏi.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây sỏi thận có thể bao gồm yếu tố di truyền, các bệnh mạn tính cũng như chế độ ăn giàu canxi và protein.
Không nên coi trà sữa là nguồn cung cấp nước
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, chuyên gia dinh dưỡng cho biết, những người nghiện trà sữa nên hạn chế uống lại. Thực tế trà sữa chỉ cung cấp năng lượng, không có nhiều các chất dinh dưỡng, nên sẽ tác động không tốt tới sức khỏe như mất ngủ (vì trong trà sữa có caffeine), thừa năng lượng, gây thừa cân béo phì. Ngoài ra việc tiêu thụ quá nhiều đường, kem cũng dễ gây mỡ máu.
Chưa kể, nếu sử dụng các phụ gia để pha chế bị kém chất lượng còn dễ đối mặt với nguy cơ ngộ độc cao.
Trước đó, chia sẻ với PLO, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, tùy thuộc vào công thức pha chế, nguyên liệu mà lượng đường trong trà sữa khác nhau.
Uớc tính trong một ly trà sữa 250ml có khoảng 30 g đường. Tuy nhiên đường trong trà sữa không chỉ đến từ nước đường, mà còn có trong các thành phần khác như sữa béo, trân châu, kem, thạch...
“Khi uống một ly trà sữa 250 ml thôi thì ta đã uống quá 25 g đường khuyến nghị và kích cỡ ly càng to thì lượng đường tiêu thụ càng nhiều và vượt quá mức khuyến nghị. Do đó nếu coi trà sữa là nguồn cung cấp nước, dinh dưỡng hay phương tiện tạo ra năng lượng, thì điều này cần phải xem xét lại"- BS Đỗ Thị Ngọc Diệp nói.