Hơn 30.500 trẻ em được nhận làm con nuôi trong 10 năm qua

Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, đến nay việc giải quyết nuôi con nuôi còn vướng mắc do nguyên nhân xuất phát từ thể chế và thi hành pháp luật. Trước bất cập đó, sáng 9-11 Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết và đề xuất sửa một số quy định trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

Tại đây, ông Đặng Trần Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp cho biết kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi, giai đoạn 2011-2020, cả nước có 30.519 trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong và ngoài nước. Trong đó, có 26.623 trẻ em làm con nuôi trong nước, chiếm hơn 87%.

“Số liệu này cho thấy trẻ em được cho làm con nuôi trong nước cao gấp 7 lần so với số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, điều này phản ánh đúng chủ trương của nhà nước về lĩnh vực con nuôi” - ông Tuấn cho hay.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp lắng nghe các ý kiến góp ý sửa Luật Nuôi con nuôi. Ảnh: V.LONG

Tuy nhiên, trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập, đặc biệt là cơ sở tôn giáo chưa có biện pháp hữu hiệu để tìm gia đình thay thế. Còn tình trạng thỏa thuận cho nhận con nuôi bằng giấy viết tay, hoặc tự ý đem trẻ bị bỏ rơi về chăm sóc… không tiến hành thủ tục đăng ký nuôi  con nuôi. Vì vậy, mối quan hệ pháp lý giữa trẻ em và người nuôi dưỡng không được xác lập, gây khó trong việc làm giấy khai sinh cho trẻ và các quyền lợi hợp pháp khác.

Theo đó, ông Tuấn cho rằng cần sửa Luật Nuôi con nuôi theo hướng luật hóa Công ước La Hay, trong đó quy định rõ trường hợp nào là nuôi con trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo tiêu chí thường trú của cha, mẹ nuôi…

Luật cũng cần sửa đổi, bổ sung quy trình đánh giá điều kiện người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi trên phương diện gia đình, xã hội, tâm lý và pháp lý. Mục đích, khắc phục tình trạng người nhận nuôi con tự ý tìm kiếm trẻ được nhận làm con nuôi, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi và lợi ích tốt nhất của trẻ.

“Ngoài ra, cần bổ sung vào luật quy định về quản lý hoạt động của các tổ tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo hướng nâng cao yêu cầu, trách nhiệm trong việc tư vấn, hỗ trợ…”- ông Tuấn đề nghị.

Là địa phương có số lượng cho nhận con nuôi lớn, đại diện TP HCM cho biết trong 10 năm qua chính quyền thành phố giải quyết hơn 3.550 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một số trường hợp nhận con nuôi không vì mục đích xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững mà đưa trẻ sang định cư nước ngoài cùng với cô, dì, chú, bác…

Vì vậy, TP.HCM đề nghị bổ sung vào luật quy định về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp con nuôi chưa thành niên, cha mẹ nuôi chết hoặc không đủ điều kiện nuôi dưỡng, trẻ cần được người khác nhận nuôi; hoặc trường hợp người nhận con nuôi và cha mẹ đẻ của trẻ đều có nguyện vọng chấm dứt việc nuôi con nuôi. “Quy định này sẽ bảo vệ lợi ích của trẻ em hơn”- đại diện TP.HCM cho hay.

Tại hội nghị, một số địa phương cũng đề xuất với Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu nuôi con nuôi, nhằm phục vụ công tác quản lý cũng như hoạch định chính sách sau này. Luật cần đảm bảo việc nuôi con nuôi được tiến hành trên nguyên tắc nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em…

Đề xuất kéo dài thời gian xác minh nguồn gốc trẻ em

Thượng tá Nguyễn Việt Hồng, Phó trưởng phòng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết giai đoạn 2011-2020, công an các tỉnh, thành tổ chức tiến hành xác minh nguồn gốc đối với 2.663 trẻ em bị bỏ rơi, trong đó TP.HCM có số lượng nhiều nhất là 1.012 trường hợp. 

Tuy nhiên, ngành công an nhận thấy việc xác minh nguồn gốc gặp nhiều khó khăn do đa phần trẻ em bị bỏ chủ yếu là trẻ sơ sinh. Thân nhân trẻ bỏ rơi thường cố tình che giấu việc bỏ con, tìm mọi lý do để cán bộ xác minh không tiếp xúc được..

Vì vậy, ông Hồng đề nghị Bộ Tư pháp nên sửa Luật Nuôi con nuôi theo hướng kéo dài thời gian xác minh nguồn gốc trẻ em từ 30 ngày lên 60 ngày đối với các trường hợp đặc biệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm