Hơn 460 công ty quốc tế tham gia hội chợ về ô tô ở TP.HCM

(PLO)- Từ trước dịch COVID-19, do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp ngành chế tạo Nhật Bản quyết định xem xét đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-6, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) quận 7, TP.HCM khai mạc Triển lãm Thương mại hàng đầu khu vực tại Việt Nam về ngành Công nghiệp dịch vụ ô tô 2023- Automechanika Ho Chi Minh City lần 5-2023. Sự kiện do Công ty VINEXAD phối hợp Công ty TNHH MTV Yorkers Exhibition Service Việt Nam tổ chức.

Triển lãm năm nay thu hút 461 doanh nghiệp (DN) đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… tăng hơn 28% so với kỳ triển lãm trước.

Đáng chú ý, các công ty của chín quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... muốn đặt vấn đề mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Tại triển lãm, các đơn vị trưng bày nhiều sản phẩm dịch vụ, công nghệ và giải pháp mới nhất, trong đó có linh kiện, phụ kiện, sửa chữa, xe điện, mảng sản xuất và tự động hóa ô tô…

Bà Fiona Chiew, Tổng Giám đốc Messe Frankfurt (HK) Ltd, đại diện Ban tổ chức cho biết, Việt Nam đã trở thành một trong các thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Thông qua quá trình phát triển đô thị hóa, ngành công nghiệp ô tô nội địa chuẩn bị bước qua một kỷ nguyên mới, đón nhận các cơ hội từ việc hòa nhập phát triển về xe điện, công nghệ số, công nghiệp chế tạo và tự động hóa vào chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam Bộ Công Thương, các hiệp hội tham quan gian hàng doanh nghiệp Đức tại triển lãm. Ảnh: TÚ UYÊN

Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam Bộ Công Thương, các hiệp hội tham quan gian hàng doanh nghiệp Đức tại triển lãm. Ảnh: TÚ UYÊN

Trong khi đó, ông Otsuka Tetsuhisa, Ban Giám đốc NC Network Nhật Bản, Thành viên hội đồng quản trị NC Network Việt Nam chia sẻ, tại Nhật do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ năm 2020 tình hình hoạt động sản xuất ngành chế tạo không được khả quan.

Sau đó, các ngành chế tạo tập trung vào lĩnh vực chất bán dẫn đã dần hoạt động nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, bước vào năm 2023 ngành này đang chững lại khiến DN phải "xem xét".

Theo ông Otsuka Tetsuhisa, ngay từ trước dịch COVID-19 đã có rất nhiều DN Nhật Bản xem xét đến việc đầu tư ra nước ngoài hoặc làm việc với các nhà cung ứng nước ngoài. Trong đó, khu vực Asean, đặc biệt là Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm từ các DN Nhật Bản.

“NC Network có hệ thống kết nối kinh doanh 40.000 DN chế tạo tại Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Năm nay, chúng tôi tổ chức hội chợ giao thương ngành chế tạo FBC Asean tại Hà Nội và TP.HCM để DN các quốc gia kết nối chặt chẽ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng TP.HCM có 40 gian trong triển lãm Automakina” - ông Otsuka Tetsuhisa chia sẻ.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, triển lãm tạo nhiều cơ hội cho DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đồng thời số lượng DN các nước tham gia ngày càng nhiều cho thấy tiềm năng cũng như niềm tin vào thị trường Việt Nam khi là một điểm đến thu hút các chuỗi cung ứng đa dạng hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm