Tại TP.HCM, các dạng mô hình cho thuê hộp ngủ, ký túc xá dịch vụ xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút rất đông người đến thuê, đặc biệt là người độc thân, sinh viên... Ở hầu hết các quận, huyện, những hộp ngủ luôn trong tình trạng lấp đầy. Điều này chứng tỏ nhu cầu đối với sản phẩm này không phải là nhỏ dù nguy cơ mất an toàn rất cao khi dồn nén hàng trăm người trong một không gian chật hẹp.
Hộp ngủ cho thuê luôn “cháy phòng”
Trên mạng xã hội, các bài đăng cho thuê hộp ngủ xuất hiện dày đặc. Chỉ cần gõ từ khóa “hộp ngủ” sẽ cho ra hàng trăm kết quả tại nhiều quận, huyện với đủ mức giá từ 1,2 đến 2,2 triệu đồng/tháng. Các dạng phòng cho thuê siêu nhỏ này thường bao hết các dịch vụ như có sẵn chăn nệm, bếp nấu, khu giặt ủi dùng chung, có máy lạnh, bao điện, nước…
Trong vai người thuê phòng, PV liên hệ tài khoản Son Ca Tran trong nhóm “Phòng trọ, ký túc xá và sleep box quận Bình Thạnh” trên Facebook và được thông tin căn nhà cho thuê hộp ngủ của bà trên đường D5 đã hết phòng. Tương tự, trong nhóm “Phòng trọ quận 3, Phú Nhuận giá rẻ”, tài khoản Nguyên Leo đăng bài viết cho thuê hộp ngủ trên đường Hoàng Văn Thụ với giá 2,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ anh này cũng cho biết đã kín phòng, không nhận thêm.
Ông H - hiện làm quản lý một chuỗi hộp ngủ tại quận Bình Thạnh cho biết nhu cầu ở bằng hộp ngủ đang tăng cao, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi.
“Nhiều người trẻ, sinh viên ưa thích sự gọn gàng, tiện dụng. Các hộp ngủ được cung cấp dịch vụ từ A đến Z, đó là yếu tố mà người thuê thích nhất” - ông H nói.
Công an TP.HCM sẽ tổng hợp, đánh giá những tồn tại, vi phạm, khó khăn liên quan đến thực trạng của từng đối tượng, đặc biệt là sự phát sinh mô hình hộp ngủ để tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC. Đồng thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật với loại hình đặc thù này. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu cơ sở ngừng hoạt động trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng và PCCC.
Các đơn vị kinh doanh hộp ngủ đa phần là những căn nhà nguyên căn, sau đó ngăn phòng, thi công thành các hộp ngủ dày đặc nhằm tối ưu doanh thu. Đơn cử như khu hộp ngủ trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận trong một căn phòng có diện tích khoảng 40 m2 có đến 20 hộp ngủ xếp chồng lên nhau, lối đi còn lại chỉ rộng 1 m. Tương tự, một căn nhà trong hẻm 384 đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình cũng có đến hàng chục hộp ngủ diện tích 2 m2 trên một tầng. Đáng nói là có nhiều căn nhà kinh doanh hộp ngủ không trang bị thiết bị PCCC. Ví dụ như một căn trên đường Lam Sơn, phường 4, quận Tân Bình có đến 30 hộp ngủ nhưng không có một thiết bị PCCC nào.
NTL (18 tuổi, sinh viên một trường ĐH) là khách thuê hộp ngủ ở quận Tân Phú cho biết đa phần người thuê đều thấy không gian rất chật chội, không đảm bảo PCCC nhưng được đầy đủ dịch vụ, chi phí vừa phải lại gần trường học, nơi làm nên vẫn chấp nhận.
Những mối nguy tiềm ẩn bị phớt lờ
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an TP.HCM (PC07), tại các cơ sở kinh doanh hộp ngủ, chủ nhà chỉ xin phép xây dựng nhà ở gia đình nhưng tại thiết kế thành các phòng lớn và xếp đầy hộp ngủ bên trong.
Các hộp ngủ này tập trung rất đông người trong không gian hẹp, chứa nhiều vật dụng cá nhân, các vách ngăn lại dùng ván nhựa, gỗ ép cũng là vật liệu dễ cháy. Chưa kể các vật liệu trên thường là nhóm có đặc tính cháy mạnh, dễ bắt cháy, lan truyền mạnh, sinh khói và độc tính cao. Không gian hẹp, chứa nhiều vật liệu tải trọng chất cháy cao sẽ tác động đẩy nhanh quá trình phát triển đám cháy nếu xảy ra sự cố.
Các nhà cho thuê dạng hộp ngủ thường không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC hoặc thuộc diện nhưng chưa được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC theo quy định. Kiến trúc thường chỉ có một cầu thang bộ thoát nạn, không đảm bảo lối thoát nạn thứ hai, cầu thang lại không đảm bảo điều kiện theo quy định về chiều rộng, chiều cao, không có cửa ngăn buồng thang là cửa chống cháy… Chưa kể các lối ra như cửa chính, tầng thượng, tầng mái… thường được tận dụng diện tích để chứa đồ, cản trở lối thoát nạn ra bên ngoài.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều cơ sở chưa lắp đặt đầy đủ thiết bị, hệ thống PCCC đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống điện được thiết kế cho nhà ở riêng lẻ cũng không đảm bảo, nhiều khả năng bị quá tải, phụ tải sau thời gian sử dụng dẫn đến chạm, chập, gây cháy nổ. Đây chính là những mối nguy hiểm tiềm ẩn mà cả chủ nhà lẫn người ở thuê đang phớt lờ vì chủ quan.
Cần có quy định quản lý chặt chẽ
Theo đánh giá của các chuyên gia, về lâu dài càng nhiều khu hộp ngủ phát sinh sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch đô thị, ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng kỹ thuật, giao thông, y tế… của khu vực.
Theo Phòng PC07, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để thực hiện chức năng quản lý nhà nước toàn diện (cấp phép xây dựng, an toàn PCCC, môi trường, quy hoạch…) còn chưa đầy đủ, bộc lộ những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các loại hình nhà ở biến tướng như hộp ngủ, phòng cho thuê siêu nhỏ.
Trên thực tế, sự xuất hiện loại hình nhà ngăn phòng, hộp ngủ cho thuê về đặc điểm chung là có quy mô số tầng, số phòng cho thuê lớn, tập trung đông người, không phải cơ sở hoạt động theo Luật Du lịch. Trong khi đó, các cơ sở này cũng không nằm trong Phụ lục I - Nghị định 136/2020, do đó không đảm bảo tính pháp lý khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC.
Một lãnh đạo quận Bình Thạnh nhận định: “Hiện nay chưa có quy định cụ thể về loại hình kinh doanh hộp ngủ. Do đó, khi phát sinh những trường hợp có vấn đề, các địa phương mới đề xuất báo cáo, xử lý với các cơ quan cấp TP”.
Ba giải pháp tức thời cho hộp ngủ
Trước mắt, PC07 đưa ra một số kiến nghị, hướng dẫn cho chủ nhà nhằm tăng cường an toàn PCCC tại chỗ cho hộp ngủ.
Về lối ra thoát nạn: Cầu thang bộ thoát nạn phải đóng kín để chống tụ khói, lan truyền cháy khi có cháy, nếu chưa thể đóng kín bằng tường ngăn cháy thì sử dụng các vật liệu ngăn cháy có giới hạn chịu lửa cao, tương đương. Cửa đi vào cầu thang bộ phải là cửa chống cháy. Cầu thang bộ thoát nạn phải được ngăn cách, không liền kề với các khu vực có nguy hiểm về cháy nổ như khu đậu xe. Tại tầng trệt phải có lối thoát nạn trực tiếp từ cầu thang bộ ra bên ngoài nhà.
Giải phóng mặt bằng lối thoát hiểm: Lối ra ban công, lô gia, mái nhà phải thông thoáng, không bố trí lồng sắt, “chuồng cọp”, các vật cản để khi có sự cố người dân có thể dễ dàng thoát ra ngoài.
Trang bị thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát hiểm trong nhà.
Về lâu dài, để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đối với cơ sở, công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì chủ đầu tư phải thực hiện việc thẩm duyệt và nghiệm thu theo đúng quy định. Đối với công trình không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC vẫn phải thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định tại khoản 13 Điều 13 Nghị định 136/2020.
Nhiều nước chỉ dùng hộp ngủ cho mục đích lưu trú du lịch
Ở các nước trong khu vực và trên thế giới, hộp ngủ là loại hình không được sử dụng rộng rãi như một nơi ở mà chỉ để phục vụ mục đích lưu trú du lịch - còn được gọi là các khách sạn con nhộng.
Tại Nhật Bản, các khách sạn này chỉ đủ cho một người, có giá thuê rẻ như ký túc xá nhưng riêng tư hơn. Trong khi đó tại Mỹ, khách sạn con nhộng phổ biến ở các TP lớn như New York, San Francisco, Los Angeles... Mô hình này hợp pháp tại Mỹ song phải tuân thủ các quy tắc xây dựng, quy định an toàn, các yêu cầu về quy hoạch, cấp phép cũng như các tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh.
Tương tự, tại các TP du lịch ở Trung Quốc cũng có khách sạn con nhộng. Tuy nhiên, năm 2011, giới chức nước này từng không cấp phép hoạt động cho khách sạn con nhộng đầu tiên ở Thượng Hải vì cho rằng khách sạn này sử dụng các vật liệu dễ cháy, không gian quá nhỏ không đáp ứng yêu cầu cơ bản của Thượng Hải khi ấy về việc thuê phòng và có thể gây khó khăn cho việc sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. HỒNG SƠN