Ông Bradley lâu nay đóng vai trò như một phát ngôn viên của công ty Trung Quốc ở quốc gia Bắc Mỹ.
Theo trang tin Global News của Canada, ông Bradley đã tiết lộ sự ra đi của mình trong một bài đăng trên LinkedIn nhưng không đưa ra lý do cho hành động này.
“Chúng tôi rất buồn khi thấy ông ấy ra đi nhưng biết ơn về công việc không mệt mỏi mà ông ấy đã làm để giúp chúng tôi phát triển thương hiệu và hình ảnh trong mắt công chúng, cũng như xây dựng các mối quan hệ với chính phủ”, ông Eric Li, Chủ tịch Huawei Canada, nói trong một bản ghi nhớ gửi cho các nhân viên. Chủ tịch Li cho biết ông Bradley sẽ tiếp tục phục vụ như một cố vấn đặc biệt “theo yêu cầu”.
Ông Scott Bradley. Ảnh: SCMP
Ông Bradley đã nói trong một bản ghi nhớ khác gửi cho Huawei Canada, rằng sự ra đi của ông không phải là một quyết định bất ngờ mà là một sự hiểu biết trong một năm rưỡi qua, rằng đến một lúc nào đó, ông sẽ “rời khỏi một vai trò chính thức” ở công ty.
Ông Bradley gia nhập Huawei vào năm 2011 sau một thời gian làm giám đốc điều hành của công ty Bell Media và tranh cử không thành công với tư cách là ứng cử viên của đảng Tự do trong cuộc bầu cử hồi năm 2011.
Trong thời gian làm việc tại Huawei, ông đã cố gắng tạo ra danh tiếng thuận lợi cho công ty Trung Quốc ở Canada và để xua tan những nỗi lo ngại rằng công ty này có liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc.
Bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, gần đây căng thẳng đã gia tăng giữa Canada và Trung Quốc xung quanh vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei ở thành phố Vancouver, và việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada sau đó trong hành động được coi là đáp trả vụ bắt bà Mạnh.
Đại sứ Trung Quốc tại Ottawa hôm 9-1 cáo buộc Canada dùng tiêu chuẩn kép “dựa trên tính tự cao tự đại và thuyết người da trắng thượng đẳng” khi yêu cầu Trung Quốc thả công dân.
Ông Weijing W. Ảnh: SCMP
Hôm 11-1, cơ quan phản gián của Ba Lan bắt giữ ông Weijing W, giám đốc bán hàng của Huawei tại nước này, và một cựu nhân viên tình báo cao cấp người Ba Lan tại Warsaw, với cáo buộc làm gián điệp.
Không có bằng chứng công khai nào cho thấy thiết bị của Huawei đã được sử dụng cho mục đích do thám và công ty Trung Quốc đã liên tục bác bỏ những cáo buộc này. Tuy nhiên, một số nước phương Tây đã hạn chế sự tiếp cận của Huawei vào thị trường của họ và gây áp lực buộc Canada làm điều tương tự.
Theo báo South China Morning Post, chính phủ Canada hồi năm ngoái đã khởi động một cuộc đánh giá về an ninh mới đối với công nghệ 5G của Huawei, sau khi ít nhất hai nhà mạng lớn của Canada nói rằng họ có kế hoạch thử nghiệm trên các dư án thí điểm quy mô nhỏ.