Hủy bỏ quy hoạch treo gây khốn đốn người dân

Ngày 26-5, Quốc hội đã có phiên thảo luận về dự thảo Luật quy hoạch. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày dài đến 18 trang cho thấy sự tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật này, theo plo.vn.

Hủy bỏ quy hoạch treo

Đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) cho rằng: Đây là dự thảo khó bởi hiện nay chúng ta có hàng ngàn quy hoạch đang tồn tại, trong đó có nhiều quy hoạch “treo”, quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch chống quy hoạch... gây bức xúc trong nhân dân.

Do đó, đại biểu Vượt đề nghị xem xét bổ sung quy định quy hoạch nào đương nhiên bị hủy bỏ vì không khả thi, không thực hiện do không có nguồn lực, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người dân trong vùng quy hoạch này.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh góp ý về nguyên tắc lập quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, tính ổn định lâu dài có tầm nhìn 30-50 năm và tầm nhìn 100 năm, quy hoạch cũng phải từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên nhưng việc tham khảo ý kiến nhân dân là cần thiết, đúng quy định của pháp luật, mọi thay đổi quy hoạch đều phải tuân thủ đúng pháp luật.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) bày tỏ lo lắng về tính khả thi của dự luật khi dự kiến chỉ còn 16 tháng nữa luật sẽ có hiệu lực (nếu được thông qua tại kỳ họp này), "trong khi đó chúng ta phải sửa đổi đến 32 luật chuyên ngành có quy định về quy hoạch mà trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 không thấy có việc sửa đổi các đạo luật này phục vụ cho việc thi hành Luật Quy hoạch bảo đảm khả thi trong thực tế cuộc sống".

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể băn khoăn: Hiện có quy hoạch đồng cấp như quy hoạch xây dựng và giao thông trong một đô thị. Vì là quy hoạch đồng cấp trong đô thị xảy ra việc quy hoạch giao thông thì hạn chế nhưng quy hoạch xây dựng thì cho xây nhà cao tầng thoải mái dẫn đến áp lực nặng nề cho hạ tầng đô thị và gây ùn tắc giao thông. Vậy phải có trọng tài để xử lý việc này.

Tuyến đường Hoàng Đạo Thủy nằm trong khu quy hoạch treo của khu đô thị Nam TP lầy lội, ô nhiễm. Ảnh: HTD

Bãi bỏ cơ chế xin-cho, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch

Phát biểu tại phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo Luật quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Qua thảo luận, đa số các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật này thể hiện sự quan tâm của đại biểu đối với Nghị quyết Trung ương 5, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc ban hành Luật quy hoạch lần này cũng là dịp để chúng ta sửa đổi, bổ sung hoặc xóa bỏ những cơ chế, chính sách hay những quy định trong quy hoạch không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhất là trong giai đoạn sắp tới của đất nước.

“Những vấn đề nổi bật mà dự thảo luật này mang lại là cải cách về thể chế để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của chúng ta về quy hoạch. Hiện chúng ta có đến 95 luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch với khoảng 19.250 quy hoạch đang thực hiện. Góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước về quy hoạch bởi trước đây chúng ta thiên về quản lý, bây giờ vừa bảo đảm quản lý nhưng thực hiện kiến tạo và phát triển. Đây thực sự là công cụ quan trọng để huy động, phân bổ, khai thác và sử dụng các nguồn lực quốc gia” - Bộ trưởng Dũng phân tích.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc ban hành Luật quy hoạch sẽ tăng cường tính liên kết, phát triển vùng, địa phương và từng ngành. Đặc biệt, chúng ta đã mạnh dạn đổi mới phương thức lập quy hoạch theo hướng bảo đảm nhất quán, khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ giữa các ngành, các địa phương, vùng miền trong cả nước, tránh được xung đột về lợi ích, mâu thuẫn, chồng chéo, chậm phát triển. Thiết lập được cơ chế cung cấp thông tin về quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch trong tiếp cận thông tin, cũng là để giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch. Qua đó khắc phục tình trạng xin-cho, tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi chúng ta bãi bỏ một số quy hoạch ngành, bảo đảm quyền tự do của người dân và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Dự kiến sẽ có 32 luật được sửa đổi, bởi các luật này có quy định về quy hoạch.

Đánh giá thực trạng các yếu tố, nguồn lực đặc thù của vùng

Theo đó, Điều 27 dự thảo Luật quy hoạch quy định về quy hoạch vùng nhấn mạnh: Nội dung quy hoạch vùng xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường có tính liên ngành, liên tỉnh và liên vùng.

Cụ thể, quy hoạch vùng bao gồm những nội dung chủ yếu sau: Phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện, nguồn lực đặc thù của vùng; quan điểm, mục tiêu phát triển vùng; phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; phương án phát triển sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng vùng: Xác định hệ thống đô thị, nông thôn; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu nghiên cứu đào tạo thể dục thể thao; khu bảo tồn, khu vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích; vùng sản xuất tập trung; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước và các lưu vực sông, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng; danh mục dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, dự thảo luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết các vùng lập quy hoạch và nội dung quy hoạch vùng. Cần làm rõ những nội dung liên quan đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm