Huyện miền núi Vân Canh, Bình Định: Tảo hôn gia tăng

(PLO)- Huyện miền núi Vân Canh, Bình Định ghi nhận tình trạng tảo hôn gia tăng từ năm 2022 đến nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 15 tuổi, em Đinh Thị L (hiện 17 tuổi) ở làng Kà Bưng (xã Canh Thuận) nghỉ học giữa chừng để lấy chồng. Dù gia đình đã thuyết phục nhưng em L vẫn kiên quyết nghỉ học. Sợ con gái bị ngăn cấm sẽ làm điều dại dột, gia đình em L đành chấp nhận cho con gái lập gia đình.

Tảo hôn
Em Đinh Thị D và con gái hơn một tuổi sống cùng với cha mẹ ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định). Ảnh: THU DỊU
P12_tao-hon_h2.jpg
UBND xã Canh Thuận, huyện Vân Canh tổ chức tuyên truyền ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở làng Kà Te vào tháng 12-2023. Ảnh: XUÂN BÔNG
P12_tao-hon_h3.jpg
Phòng Dân tộc huyện Vân Canh tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân ký bản cam kết nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: TL

Làm mẹ ở tuổi 15

Thời điểm đó, chồng L trên 18 tuổi, song L mới 15 tuổi nên không được làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ở tuổi 17, tuổi ăn chưa no lo chưa tới, L đã làm mẹ của đứa trẻ tuổi lên hai.

“Bình thường ở nhà chăm con, có ai thuê gì thì làm hoặc theo ba mẹ lên rẫy trồng mì, trồng keo. Chồng em cũng vậy, ai thuê làm gì thì làm đó, miễn là có tiền cho con uống sữa” - L nói.

Khi được hỏi em có muốn đi học lại hoặc đi học nghề không? L ngập ngừng: “Đi học rồi ai chăm con, thêm nữa tụi em không có tiền” - L trả lời, ngước nhìn chúng tôi rồi ẵm đứa trẻ hai tuổi ngơ ngác nhìn ra cửa ngóng chồng.

So với em Đinh Thị L, trường hợp của em Đinh Thị D ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận) có phần đỡ nhọc nhằn hơn.

Năm 2022, khi đang học lớp 12, em D nghỉ học, sinh con. Chồng D cùng tuổi, cùng làng. Chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, vợ chồng D về sống cùng với cha mẹ D. May mắn là gia đình D thuộc diện khá giả nên việc chăm sóc cho mẹ con D tốt hơn.

17 tuổi, con gái đã làm mẹ, bà Đinh Thị Mơ L vừa chăm con gái vừa chăm cháu ngoại. “Nó còn nhỏ quá, con khóc cũng không dỗ dành được, cơm nấu còn chưa thành làm sao mà ra riêng ở được. Lỡ dại rồi, giờ mình phải chăm cho hai mẹ con nó đã. Tụi nó chưa đủ tuổi, không thể đăng ký kết hôn, chồng thì đi nghĩa vụ quân sự rồi. Mấy hôm nay, vợ chồng tôi động viên cháu, ba mẹ chăm cháu, mùa hè này con đăng ký đi học lại để có bằng tốt nghiệp rồi tính tiếp”.

Tương tự, em Đinh Thị A (ngụ khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh) mới 17 tuổi nhưng đã làm mẹ của cô con gái bốn tháng tuổi. Chồng A ở xã Canh Liên, nghỉ học từ năm lớp 8, đi làm thuê rồi lấy vợ, sinh con…

“Chúng tôi đã làm nhiều cách rồi mà vẫn xảy ra tảo hôn, thực sự rất chua xót. Một phần do điều kiện cuộc sống, do nếp nghĩ của bà con chưa thay đổi nên mới xảy ra trường hợp tảo hôn.”

Bà Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận

Gõ từng nếp nhà sàn ngăn tảo hôn

Theo Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, tình trạng tảo hôn trên địa bàn diễn biến phức tạp. Năm 2023, huyện Vân Canh có 16 trường hợp tảo hôn, nhiều nhất là ở xã Canh Thuận và thị trấn Vân Canh.

“Chúng tôi đã làm nhiều cách rồi mà vẫn xảy ra tảo hôn, thực sự rất chua xót. Một phần do điều kiện cuộc sống, do nếp nghĩ của bà con chưa thay đổi” - bà Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, nói.

Bà Bông cho rằng lý do xảy ra tảo hôn gia tăng còn nằm ở tuổi vị thành niên, các cháu có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên dẫn tới việc bỏ học giữa chừng, sau đó lấy nhau khi chưa đủ tuổi.

Cuối năm 2023, bà phát hiện em Lơ O Thị H (16 tuổi) ở làng Kà Bưng lấy chồng là Đoàn Văn S (thị trấn Vân Canh), UBND xã Canh Thuận thành lập tổ công tác tới gia đình yêu cầu dừng việc tổ chức đám cưới. Đồng thời, UBND xã Canh Thuận có văn bản gửi UBND thị trấn Vân Canh phối hợp ngăn chặn tảo hôn. Nhờ đó, một số trường hợp tảo hôn ở xã Canh Thuận kịp thời được ngăn chặn.

19

trường hợp tảo hôn trên toàn huyện trong năm 2022 (theo Phòng Dân tộc huyện Vân Canh). Trong năm 2023, huyện Vân Canh tiếp tục ghi nhận thêm 16 trường hợp tảo hôn, ngoài ra còn nhiều trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo bà Bông, năm 2024, xã Canh Thuận thành lập tổ công tác, xây dựng nhóm Zalo của chính quyền với trưởng thôn để nắm tình hình các em trong độ tuổi thanh niên của từng làng. Chính quyền liên hệ với các trường học cùng phối hợp tuyên truyền đến từng gia đình, giáo dục cho các em, ngăn chặn tảo hôn.

Tương tự, ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), cho biết năm 2023, thị trấn Vân Canh có chín trường hợp tảo hôn, là địa phương có tỉ lệ tảo hôn cao nhất huyện.

“Tuyên truyền kết hợp với xử lý vi phạm để răn đe, tôi nghĩ phải có giải pháp mạnh mới ngăn được tình trạng này. Chúng tôi làm như thế là để cho bà con hiểu, thay đổi nhận thức, thay đổi trong nếp sống. Thị trấn giao các hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, các trường học để nắm tình hình, phát hiện em nào lơ là, bỏ học hoặc có nghi vấn là thuyết phục để các em trở lại trường. Đầu năm nay, nhờ phối hợp chặt chẽ mà địa phương đã vận động năm trường hợp đi học lại” - ông Thanh nói.•

Tuyên truyền về hệ quả của nạn tảo hôn

Chúng tôi đi từng nhà, cập nhật thông tin các cháu trong độ tuổi vị thành niên của làng để nắm tình hình. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các cháu về hệ quả của tảo hôn... Thêm nữa, chúng tôi quản lý bằng cách nắm tình hình, trường hợp có thanh niên lạ vào làng chơi là phải nắm rõ ràng để ngăn ngừa tảo hôn giữa làng này và làng khác.

Ông K’SOR VĂN TÌNH, Trưởng làng Kà Te, xã Canh Thuận

Năm nay các xã, thị trấn phối hợp với công an xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đám cưới cho những người chưa đủ tuổi kết hôn. Đồng thời xử lý hình sự trường hợp vi phạm để giáo dục chung.

Ông NGUYỄN XUÂN VIỆT, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Vân Canh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm