IEA: OPEC+ cắt giảm sâu sản lượng dầu do biến động dòng chảy dầu thô toàn cầu

(PLO)- Theo IEA, một phần nguyên nhân khiến OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu là sự biến động nhanh chóng trong dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 14-4 lý giải một phần nguyên nhân khiến các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) thông báo cắt giảm sâu sản lượng dầu là do lệnh trừng phạt đối với dầu Nga của phương Tây đã dẫn đến sự thay đổi trong dòng chảy dầu toàn cầu, theo hãng tin Reuters.

IEA cho biết một phần lý do khiến OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu là sự biến động nhanh chóng trong dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu. Ảnh: Dado Ruvic/REUTERS

IEA cho biết một phần lý do khiến OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu là sự biến động nhanh chóng trong dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu. Ảnh: Dado Ruvic/REUTERS

Vào đầu tháng này, OPEC+ bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm 1,16 triệu thùng dầu/ngày từ đầu tháng 5 cho tới cuối năm nay, khiến thị trường mất đi 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với 3,7% nhu cầu dầu toàn cầu.

Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới đây, IEA nhận định với việc 3 triệu thùng dầu/ngày của Nga chảy vào châu Á, nhu cầu của các nhà máy lọc dầu ở khu vực này đối với dầu thô chua của Trung Đông có thể đã suy giảm.

“Sự biến động nhanh chóng trong dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu có thể phần nào giải thích cho quyết định cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+” - IEA giải thích.

Trong khi đó, IEA cho biết các nhà máy lọc dầu châu Âu thay vì lựa chọn nguồn cung dầu thô chua từ các nước Trung Đông để thay thế dầu thô Nga có chất lượng tương tự thì những nhà máy này lại ưu tiên chọn các loại dầu thô ngọt do Mỹ sản xuất.

Không giống như các nhà máy lọc dầu ở châu Á, vốn được hưởng lợi từ giá dầu thô Nga giảm mạnh, các nhà máy lọc dầu châu Âu không được hưởng bất kỳ ưu đãi giá nào để đàm phán với các nhà cung ứng dầu ở Trung Đông.

IEA cho hay các nút thắt cổ chai trên các tuyến đường vận chuyển dầu thô và những hạn chế về hậu cầu ngăn cản một số nhà máy lọc dầu châu Âu xử lý các tàu chở dầu thô (VLCC) khổng lồ là một lý do khiến người châu Âu không mặn mà với dầu thô Trung Đông.

Bên cạnh đó, để giảm hàm lượng lưu huỳnh trong dầu thô nhằm sản xuất nhiên liệu sạch hơn, còn gọi là quá trình xử lý bằng hydro, đòi hỏi chi phí năng lượng rất cao là một nguyên nhân khác.

Cũng trong báo cáo trên, IEA thông báo xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4-2020, tăng khoảng 600.000 thùng dầu/ngày, theo đài CNN.

Xuất khẩu tăng đã mang lại cho Nga khoản doanh thu từ dầu mỏ thêm 1 tỉ USD, lên 12,7 tỉ USD vào tháng trước, song vẫn thấp hơn 43% so với một năm trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm