Indonesia: Động đất 7,3 độ richter, có cảnh báo sóng thần

(PLO)- Một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã xảy ra ở phía tây đảo Sumatra (Indonesia) sáng 25-4, chưa ghi nhận thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã xảy ra ở phía tây đảo Sumatra (Indonesia) sáng 25-4 khiến nước này phải phát cảnh báo sóng thần trong khu vực, theo hãng tin Reuters.

Trận động đất có độ sâu 84 km, tấn công khu vực vào khoảng 3 giờ sáng 25-4 (giờ địa phương). Dữ liệu của BMKG cho thấy một số dư chấn đã được phát hiện sau đó và có một dư chấn mạnh 5 độ richter.

Chính quyền địa phương đã phát cảnh báo về sóng thần và hướng dẫn người dân trong khu vực bị ảnh hưởng di chuyển ra khỏi bờ biển nhưng cảnh báo đã được dỡ bỏ 2 giờ sau đó.

Người dân tại TP Padang (tỉnh West Sumatra, Indonesia) di chuyển đến nơi cao sau khi động đất xảy ra ngày 25-4. Ảnh: TVOne

Người dân tại TP Padang (tỉnh West Sumatra, Indonesia) di chuyển đến nơi cao sau khi động đất xảy ra ngày 25-4. Ảnh: TVOne

Người phát ngôn Cơ quan ứng phó và khắc phục thiên tai Indonesia - ông Abdul Muhari cho biết giới chức nước này đang thu thập dữ liệu từ các hòn đảo gần tâm chấn nhất ngoài khơi bờ biển phía tây Sumatra.

Theo ông Adbul, tại TP Padang, thủ phủ của tỉnh West Sumatra, người dân địa phương cảm nhận được trận động đất mạnh và một số người đã rời khỏi các bãi biển.

“Mọi người rời bỏ nhà cửa. Một số hoảng loạn nhưng đã được kiểm soát. Hiện một số người đang sơ tán khỏi vùng biển” - ông nói và cho biết thêm rằng hiện chưa có thiệt hại nào.

Đoạn phim trên truyền hình địa phương ghi lại cảnh một số cư dân ở Padang sơ tán bằng xe máy và di chuyển lên vùng đất cao hơn.

Ông Noviandri một quan chức địa phương nói với đài TvOne: “Trên đảo Siberut (cách Sumatra 150 km về phía tây), người dân đã được sơ tán. Họ được yêu cầu ở lại khu vực sơ tán cho đến khi cảnh báo sóng thần được dỡ bỏ”.

Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất do nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến ​​tạo của vỏ Trái đất gặp nhau và tạo ra các hoạt động địa chấn thường xuyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm