Israel, Ukraine, Nga... chi tiêu quân sự khủng trong bối cảnh 2 cuộc xung đột lớn kéo dài

(PLO)- Nhiều nước trong đó có Israel, Nga, Ukraine... phê duyệt khoản chi tiêu quân sự lớn chưa từng có cho năm 2024, động thái được chú ý trong bối cảnh các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas chưa hạ nhiệt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào thời điểm cuối năm 2023, nhiều nước đã phê duyệt ngân sách chi tiêu quân sự cho năm 2024.

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nước chi tiêu quân sự ở mức cao, thậm chí kỷ lục.

Israel

Ngày 25-12, trong tài liệu trình lên Ủy ban Tài chính quốc hội Israel, Bộ Tài chính nước này cho biết chi tiêu quân sự của Israel trong năm 2024 dự kiến tăng thêm 30 tỉ NIS (8,3 tỉ USD) so với mức đã phê duyệt hồi tháng 5 (64 tỉ NIS tương đương hơn 17 tỉ USD), theo tờ The Times of Israel.

Như vậy, chi tiêu quân sự của Israel trong năm 2024 dự kiến là 96 tỉ NIS (gần 26 tỉ USD).

chi tiêu quân sự
Binh sĩ Israel huấn luyện gần biên giới Gaza. Ảnh: THE GUARDIAN

Bộ Tài chính Israel đưa ra con số trên dựa trên giả định rằng cuộc xung đột với Hamas sẽ kết thúc vào quý I-2024.

Chi tiêu quân sự của Israel vào năm 2023 là khoảng 23,6 tỉ USD, lớn hơn tổng chi tiêu quân sự của Ai Cập, Iran, Lebanon và Jordan cộng lại, theo trang tin Axios.

Ngoài chi tiêu quân sự, Bộ Tài chính Israel cho biết nước này sẽ cần thêm 9,6 tỉ NIS (hơn 2,6 tỉ USD) để chi trả cho việc sơ tán khoảng 120.000 người khỏi khu vực biên giới phía bắc và phía nam của Israel, hỗ trợ lực lượng cảnh sát và các dịch vụ an ninh, cũng như tái thiết các khu vực bị xung đột tàn phá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Israel cho rằng nước này cần thêm 8,8 tỉ NIS (hơn 2,4 tỉ USD) để giải quyết các vấn đề như nợ chính phủ và chi phí lãi vay cao hơn kế hoạch.

Do đó, tổng chi tiêu ngân sách cho năm 2024 của Israel dự kiến tăng lên mức 562,1 tỉ NIS (154,9 tỉ USD) từ mức 513,7 tỉ NIS (141,6 tỉ USD) đã được phê duyệt hồi tháng 5. Trong khi đó, nguồn thu của chính phủ, chủ yếu là thu nhập từ thuế, có thể sẽ không đạt mục tiêu do nền kinh tế suy thoái trong thời kỳ xung đột.

Nga

Ngày 27-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật về ngân sách liên bang Nga năm 2024 và kế hoạch giai đoạn 2025-2026. Theo đó, khoảng 30% ngân sách liên bang của Nga trong năm 2024 dành cho chi tiêu quân sự, theo hãng thông tấn TASS.

TASS không nêu rõ số tiền Nga dành cho chi tiêu quân sự trong năm 2024 là bao nhiêu. Tuy nhiên, hồi tháng 10, phát biểu tại cuộc họp toàn thể của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết chi tiêu quân sự của nước này vào năm 2024 sẽ là 10.800 tỉ ruble (117 tỉ USD).

“Tổng số chi tiêu quân sự năm tới sẽ là gần 11.000 tỉ ruble. Chính xác là 10.800 tỉ ruble. Và nó sẽ tăng đáng kể so với những năm trước” – ông Siluanov nói.

screenshot-2023-12-27-175557-9855.png
Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52 của Nga. Ảnh: REUTERS.

Ông Siluanov cho biết nhiệm vụ và ưu tiên chính của nền quốc phòng Nga là tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước và hỗ trợ những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

“Năm tới, chúng ta tập trung nguồn lực để đạt được mục tiêu chiến thắng. Các nguồn lực dự kiến cho năm 2024 đã được xác định và sẽ cho phép chúng ta giải quyết các nhiệm vụ được đặt ra trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt. Các nhiệm vụ này bao gồm việc cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, hỗ trợ vật chất và kỹ thuật cho quân nhân” – ông Siluanov nói.

Ukraine

Ngày 9-11, quốc hội Ukraine thông qua dự thảo luật về ngân sách nhà nước của Ukraine năm 2024. Theo đó, doanh thu ngân sách ước đạt 1.770 tỉ hryvnia (48,4 tỉ USD) trong khi chi tiêu ước tính 3.350 tỉ hryvnia (khoảng 89 tỉ USD), theo hãng tin Reuters.

Trong năm 2024, hơn một nửa tổng chi tiêu ngân sách của Ukraine được lên kế hoạch dành cho lĩnh vực quốc phòng.

Phát biểu tại quốc hội Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Ukraine – ông Sergii Marchenko cho biết: “Chi tiêu cho an ninh và quốc phòng sẽ không thấp hơn năm 2023, trong đó bao gồm các khoản đầu tư vào sản xuất trong nước và nâng cao tiềm năng công nghệ của lực lượng vũ trang Ukraine. Chúng ta sẽ có nhiều máy bay không người lái (UAV) và vũ khí của riêng mình để giành chiến thắng một cách nhanh chóng”.

Phát biểu sau cuộc họp của quốc hội Ukraine, Thủ tướng Ukraine – ông Denys Shmyhal cho hay: "Các ưu tiên được đặt ra rõ ràng trong ngân sách. Tất cả nguồn lực nội bộ của chúng ta sẽ được sử dụng để chúng ta có thể chống chọi và chiến thắng kẻ thù".

"Trên thực tế, 50% chi tiêu của chúng ta dành cho quốc phòng và an ninh của Ukraine. Chúng ta sẽ có nhiều vũ khí và phương tiện hơn, nhiều UAV, đạn dược và tên lửa. Mỗi hryvnia từ người nộp thuế sẽ được chuyển đến quân đội” – ông Shmyhal nói.

Mỹ

Ngày 22-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2024, bao gồm ngân sách chi tiêu quân sự ở mức kỷ lục 886 tỉ USD, theo Reuters.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua NDAA với 87 phiếu thuận và 13 phiếu chống, trong khi kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện Mỹ là 310 phiếu thuận và 118 phiếu chống.

screenshot-2023-12-27-180334-3196.png
Quân đội Mỹ phát triển khinh khí cầu đối phó vũ khí siêu thanh. Ảnh: REUTERS.

Theo trang tin Politico, gói ngân sách chi tiêu quân sự 886 tỉ USD bao gồm 842 tỉ USD cho các chương trình của Lầu Năm Góc, 32,5 tỉ USD cho các chương trình vũ khí hạt nhân và 11,5 tỉ USD cho chương trình an ninh quốc gia khác.

Đạo luật cũng bao gồm ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraine, trị giá 300 triệu USD. NDAA cũng dự kiến chi 14,7 tỉ USD nhằm mục đích “tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương".

NDAA cho biết sẽ tăng 5,2% lương cho quân nhân Mỹ, mức tăng lớn nhất trong hơn 20 năm.

Nhật

Ngày 22-12, Nhật phê duyệt ngân sách quốc phòng trị giá 7.900 tỉ yen (56 tỉ USD) cho năm 2024, tăng 1.100 tỉ yen so với năm 2023, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Đây là năm thứ 10 liên tiếp Nhật tăng chi tiêu quốc phòng.

Theo tạp chí The Diplomat, kế hoạch ngân sách trên đảm bảo “những nỗ lực cần thiết nhằm tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng thủ của Nhật”.

Trong đó, Nhật chi 5,16 tỉ USD để phát triển và sản xuất vũ khí tầm xa và bệ phóng phóng tên lửa.

screenshot-2023-12-27-181104-9006.png
Máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Chitose ở quận Hokkaido (Nhật). Ảnh: THE GUARDIAN.

Nhật cũng có kế hoạch chi 8,77 tỉ USD để phối hợp với Mỹ tăng cường phát triển Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp (IAMD) có khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh.

Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật (JMSDF) được phân bổ số tiền lớn với tổng trị giá 2,62 tỉ USD để đóng 2 tàu trang bị hệ thống Aegis do Mỹ phát triển.

Nhật dự chi 513 triệu USD để hợp tác cùng Anh và Ý phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới vào năm 2035.

Số ngân sách còn lại chủ yếu được dùng để mua thêm vũ khí, tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Hàn Quốc

Hãng tin The Korea Herbal đưa tin ngày 21-12 quốc hội Hàn Quốc thông qua ngân sách chính phủ lên tới 656.600 tỉ won (502 tỉ USD) năm 2024.

Trong đó, Hàn Quốc dự chi 187 tỉ USD cho hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm việc thiết lập hệ thống phòng thủ trong nước nhằm đối phó các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm