Chắc có lẽ đến hôm nay, khi nhiều người quay trở lại TP.HCM làm việc, ký ức về một chuyến đi “bão tố” dịp lễ vừa qua vẫn còn y nguyên cảnh tượng kẹt xe, ùn tắc, hỗn loạn kéo dài.
Dẫu biết rằng với số lượng người dân di chuyển dịp lễ như vậy thì không thể tránh khỏi tình trạng ùn ứ nhưng trong rất nhiều nguyên nhân thì câu chuyện ý thức của người tham gia giao thông lại một lần cần phải nhắc tới.
Thậm chí có ý kiến còn cho rằng nếu không kẹt, sẽ không thấy việc kém ý thức chấp hành luật giao thông như thế nào? Thật vậy, tôi đã chứng kiến cảnh tượng giữa hàng trăm ô tô đang nối đuôi nhích từng chút một trước khu vực phà Cát Lái dịp lễ vừa qua, thay vì đi tới chỗ đèn đỏ để qua đường, một nam thanh niên đầu không đội mũ bảo hiểm đi xe máy vô tư chạy tắt ngang đường dành cho xe hơi.
Khi thấy có người giơ điện thoại lên chụp, anh ta còn thản nhiên giơ hai ngón tay kiểu “hi” để tạo dáng, lúc này là khoảng 12 giờ trưa, nắng gay gắt, hấp hầm hập vào dòng xe cộ đang xếp hàng dài. Hành động của thanh niên này khiến dòng ô tô chậm lại hơn vì phải nhường đường, chắc sau cái “hi” đó là hàng loạt lời nhiếc móc của cánh tài xế đang mệt mỏi.
Nói như chuyên gia giao thông đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đôi khi không thể đổ cho hạ tầng giao thông kém mà cần phải có ý thức chấp hành giao thông, ở ta khi kẹt xe thì cứ chỗ nào còn trống là các phương tiện chen vào đó, cuối cùng tất cả đều đứng im hàng giờ.
“Chỗ nào còn trống là chen vào chỗ đó”, câu nói đó còn đúng cả trong trường hợp hy hữu là tình trạng xe máy chen cả vào cao tốc, thống kê dịp lễ vừa qua có tới gần 200 xe máy đi thẳng vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn dành cho ô tô.
Tài xế của gần 200 xe máy ấy, không thể nói là không biết đường nên đi nhầm bởi cao tốc này được thông xe từ sáu năm trước nên chỉ có một lý do duy nhất là sự coi thường pháp luật, coi thường luật lệ giao thông và cả coi thường tính mạng mọi người.
Đây không phải là lần đầu hiện tượng này xảy ra, cơ quan chức năng cũng đã “mạnh tay” xử phạt (mức phạt 2-3 triệu đồng), thậm chí trước đây còn có đề xuất tịch thu luôn cả xe máy của những người này.
Vấn đề là phải làm sao có giải pháp đủ sức răn đe để người tham gia giao thông phải tuân thủ luật như cách cơ quan chức năng phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay: Mạnh, mạnh hơn nữa, dứt khoát và liên tục.
Kẹt ý thức, đường khó thông, muốn người thiếu ý thức tuân thủ luật giao thông thì cần nghiêm trị vi phạm!