“Tôi đã đọc qua chương trình quảng cáo trọn gói của các người. Tôi biết Air Force One có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Vâng, chúng tôi cần nhiên liệu cho đến khi chúng tôi hạ máy bay này” - một tên không tặc đưa ra yêu cầu trong bộ phim “Air Force One” (Không lực Một) ra mắt năm 1997.
Bay liên tục không cần đáp?
Hai chiếc máy bay Boeing 747-200B hiện đang được Không quân Mỹ cải tiến và sử dụng làm “Không lực Một” có dung tích khoang nhiên liệu lên đến gần 200.000 lít. Mẫu máy bay Boeing 747-8 vừa được chọn để cải tiến thành chiếc Không lực Một thế hệ mới sẽ có khoang nhiên liệu lên đến hơn 242.000 lít. Một khi được nạp đầy đủ nhiên liệu, chiếc Không lực một dư khả năng bay liên tục hơn nửa vòng Trái Đất, trang South Report cho biết.
Một khi được nạp đầy đủ nhiên liệu, chiếc Không lực một dư khả năng bay liên tục gần nửa vòng Trái đất
Tuy nhiên, để đảm bảo cho mọi kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, Không lực Một còn được đảm bảo tính năng tiếp nhiên liệu trên không. Một trang thảo luận về kỹ thuật hàng không đánh giá động cơ của dòng máy bay 747 có thể hoạt động đến 42.000 tiếng mà không cần kiểm tra bảo trì, tương đương gần năm năm hoạt động. Chuyên cơ của tổng thống cũng được trang bị để phục vụ thức ăn cho 100 người ba lần/ngày trong thời gian hai tuần.
Vấn đề lớn nhất mà chiếc 747 của tổng thống đối mặt là sẽ cần tiếp dầu để bôi trơn máy móc hoạt động. Trang thảo luận này dánh giá nếu như hệ thống tiếp nhiên liệu trên không có bổ sung cả hệ thống tiếp nhớt máy bay và giả sử đây là một máy bay không cần phi hành đoàn thì chiếc Không lực Một sẽ có khả năng bay liên tục nhiều năm trời mà không cần đáp xuống đất.
Chuyên cơ Không lực Một của tổng thống Mỹ thực sự có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ tiết lộ Air Force One chưa bao giờ tiếp nhiên liệu trên không như vậy, thậm chí khi bay từ Washington đến Iraq. Trong các chuyến bay đường dài tới châu Á, Không lực Một thường dừng tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Alaska hay Đức để tiếp nhiên liệu. Tính đến năm 2015 đã có ba lần chiếc chuyên cơ của ông Obama dừng chân để tiếp nhiên liệu ở sân bay quân sự Elmendorf, bang Alaska.
Trong các chuyến bay đường dài tới châu Á, Không lực Một thường dừng tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Alaska hay Đức để tiếp nhiên liệu
Tuy nhiên, việc tiếp nhiên liệu trên không vẫn được xem là đủ an toàn và chiếc máy bay E-4B của bộ trưởng quốc phòng Mỹ thường tiếp nhiên liệu theo cách này. Trong khi đó, hai chiếc máy bay Air Force được sử dụng bởi các phó tổng thống và các bộ trưởng nội các khác không có khả năng tiếp nhiên liệu trong lúc bay.
Bộ trưởng “đi trước” Tổng thống
Thật ra, tổng thống Mỹ không phải là chính khách Mỹ đầu tiên sử dụng biện pháp tiếp dầu trên không cho chuyên cơ của mình trong các chuyến bay công du. Quan chức chính phủ Mỹ đầu tiên sử dụng máy bay tiếp dầu để hỗ trợ hoạt động công du không ngừng nghỉ của mình chính là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J.Perry, làm việc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Trong những năm dưới thời ông Clinton, việc tiếp dầu trên không được đánh giá là quá đắt đỏ và chỉ được dùng cho các nhiệm vụ chiến đấu của không quân. Ngay cả chiếc Không lực Một của ông Clinton cũng chấp nhận dừng chân lâu tại các sân bay quân sự để tiếp dầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu chiến tranh lạnh, các cố vấn của ông Perry cho rằng công việc của ông quá cấp bách và cần bay không ngừng nghỉ để tiết kiệm thời gian.
Bộ trưởng Quốc phòng William Perry là quan chức cấp cao đầu tiên công du có sử dụng tiếp dầu trên không
Trong đợt viếng thăm Sydney (Úc) vào tháng 7-1996, ông đã điều động đến ba lần tiếp dầu trên không, tiêu tốn hết 45.910 USD, tờ Baltimore Sun từng ghi nhận. Chiếc Không lực Boeing 747-200 của ông Perry khởi hành từ căn cứ không quân Andrews (bang Maryland) đi Sydney và phải tiếp dầu khi đang bay trong nước Mỹ, khi bay qua bờ biển bang Washington phía tây nước Mỹ và khi bay qua quần đảo Hawaii.
Các máy bay tiếp dầu được huy động từ ba căn cứ không quân khác nhau. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “Nếu như Bộ trưởng dùng mẫu máy bay VC-137, chiếc này sẽ phải dừng ba lần để tiếp nhiên liệu. Lịch trình di chuyển của bộ trưởng sẽ bị kéo dài thêm một ngày”.
Chiếc Boeing 747 của ông Perry tiêu tốn 4.479 USD/giờ bay. Cộng với chi phí tiếp nhiên liệu, chuyến công du đến Sydney của ông Perry lên đến 137.729 USD. Tổng chi phí này không bao gồm việc duy trì liên tục hai êkíp điều khiển máy bay để luân phiên hoạt động trong các chuyến bay không ngừng nghỉ. Nếu tính toàn bộ chi phí cho phi hành đoàn 35 người này, một giờ bay của ông Perry dã tiêu tốn đến 17.000 USD.