Khẩn trương đàm phán thống nhất với Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thay mặt Thủ tướng ký Chỉ thị về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Dù công tác này đã có kết quả tích cực, nhưng đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề liên quan tới nông sản, nhất là ở các địa phương giãn cách.

Bù đắp nông sản cho địa phương thiếu hụt

“Nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, Chỉ thị nêu và đề ra nhiều biện pháp yêu cầu các bộ, địa phương thực hiện.

Bộ NN&PTNT được yêu cầu triển khai các giải pháp nhằm chống đứt gãy chuỗi sản xuất, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng, khu vực đã khống chế được dịch COVID-19 để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam.

Một trong các nhiệm vụ được đề cập để thúc đẩy phát triển nông sản là chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, khẩn trương đàm phán thống nhất với cơ quan liên quan của Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm dịch động thực vật vào thị trường Trung Quốc.

Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan đánh giá tác động, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp việc thực hiện, đáp ứng các thủ tục, quy định đối với quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu của thị trường Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 1-1-2022.

Bộ GTVT phải phối hợp bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con.

Tiêm 2 mũi vaccine được đi làm?

Đặc biệt, Bộ Y tế được yêu cầu phải chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát thống nhất các địa phương được sử dụng kết quả và thời gian có hiệu lực của hai phương pháp xét nghiệm COVID-19 là test nhanh và PCR.

“Hướng dẫn cụ thể khi người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản”, Chỉ thị nêu.

Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo hải quan làm nhanh thủ tục, thông quan nhanh chóng cho các mặt hàng qua các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu với Trung Quốc và ưu tiên thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát đối với nông sản.

NHNN được yêu cầu phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Các bộ khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ cũng được giao những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển, lưu thông và xuất khẩu nông sản.

Đối với các địa phương, Chỉ thị yêu cầu phải triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 105/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu “không để ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản và di chuyển lao động liên tỉnh, liên huyện nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”.

Với các địa phương có cửa khẩu, Chỉ thị yêu cầu chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại qua cửa khẩu.

“Chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ ngành về lưu thông hàng hóa”, Chỉ thị yêu cầu các tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm