Khánh Hòa muốn dời ga Nha Trang ra ngoại thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất với đề xuất dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành để thực hiện việc quy hoạch, xây dựng phương án bảo tồn, sử dụng ga sau khi di dời, đảm bảo hợp lý, phát huy hiệu quả.

Dời ga khi điều chỉnh quy hoạch

Kết luận trên được đưa ra tại cuộc làm việc mới đây của thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa với các đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia (VIUP), Công ty McKinsey & Company Việt Nam về lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Tại cuộc làm việc này, thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa lưu ý các đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán quy hoạch khoa học, hợp lý mạng lưới giao thông theo hướng đô thị thông minh, đảm bảo thông suốt, thuận lợi cho sự phát triển của TP Nha Trang trong tương lai.

Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, ga Nha Trang nằm ngay trung tâm TP Nha Trang nên thường xuyên gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự phát triển của TP du lịch. “Ga Nha Trang có lượng tàu ra vào, tần suất chạy tàu lớn trong khi đường sắt vào ga giao cắt với đường Lê Hồng Phong - một trong những trục giao thông chính của TP Nha Trang, tại ngay nút giao thông Mã Vòng phức tạp. Do đó, khu vực này thường xuyên bị ùn tắc, mất an toàn giao thông” - một lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói.

Ga Nha Trang hiện nằm ngay trung tâm TP Nha Trang. Ảnh: TẤN LỘC

Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT trước đây, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc dời ga Nha Trang và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm TP là cần thiết, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Việc này phù hợp với xu thế nâng cao chất lượng, hiện đại hóa ngành đường sắt.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay tỉnh này từng đề xuất dời ga Nha Trang ra ngoại thành để tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hạ tầng đô thị. Song đây là chủ trương rất lớn, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

“Có ba vấn đề cốt lõi khi dời ga Nha Trang ra ngoại thành. Đó là phải giữ lại di tích lịch sử ga Nha Trang, nơi mở đầu cho mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa suốt 101 ngày đêm trong kháng chiến chống Pháp. Thứ hai, tất cả phải đấu thầu, đấu giá theo quy định pháp luật. Thứ ba là việc sử dụng quỹ đất ga Nha Trang phải phù hợp với quy hoạch chung của TP Nha Trang” - ông Tuân nói.

Tìm giải pháp hạ tầng đô thị, kết nối giao thông

Đầu năm 2020, Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung (gọi tắt là Công ty Tuấn Dung, trụ sở tại TP Hà Nội) đề xuất phương án cải tạo, di dời ga Nha Trang ra ngoại thành. Công ty này được Bộ GTVT cho phép lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát đầu tư thực hiện dự án đường sắt tránh TP Nha Trang và nhà ga Nha Trang theo hình thức PPP thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, Công ty Tuấn Dung đề xuất hai phương án di dời ga Nha Trang. Thứ nhất, cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới là ga hàng hóa có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe; xây dựng đường vòng trạm để tránh tàu hàng đi vào trung tâm TP. Phương án này quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích hơn 36.400 m2, được bố trí xây dựng chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ…

Thứ hai, cải tạo ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang, khu vực bên trong đường vòng hình bóng đèn hiện tại, đường sắt không vào trung tâm TP Nha Trang. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới là ga kỹ thuật hỗn hợp khách hàng có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe. Sau khi di dời ga, quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích hơn 114.200 m2 sẽ bố trí làm bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ…

Theo chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, báo cáo của Công ty Tuấn Dung và các đơn vị tư vấn mới chỉ là phương án đề xuất ban đầu, chưa phải là hồ sơ đề xuất thực hiện dự án chính thức theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý Công ty Tuấn Dung cùng các đơn vị tư vấn cần tiếp thu các ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất thực hiện dự án đảm bảo tính khả thi, trình Bộ GTVT xem xét theo đúng quy định.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản thông báo kết luận của chủ tịch UBND tỉnh về đề xuất của Công ty Tuấn Dung. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch giao thông của TP Nha Trang; xem xét hồ sơ đề xuất ban đầu của công ty này để báo cáo, tham mưu việc kết nối giao thông khi thực hiện dời ga Nha Trang.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch xây dựng; xem xét hồ sơ đề xuất ban đầu của Công ty Tuấn Dung để báo cáo, tham mưu về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan; cơ cấu sử dụng đất; giải pháp hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với khu đất ga Nha Trang sau khi di dời đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch được duyệt.

Sở TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực tế, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực ga Nha Trang hiện hữu và khu vực dự kiến di dời ga Nha Trang đến; đồng thời tham mưu việc quản lý, sử dụng đất theo quy định.•

 

Vài nét về ga Nha Trang

Ga Nha Trang được khánh thành năm 1936, được xem là nhà ga xe lửa đẹp thứ hai ở Đông Dương, sau ga Đà Lạt. Đến nay, nhà ga này vẫn còn giữ được kiến trúc độc đáo, đặc trưng của Pháp.

Ga Nha Trang là ga chính trên đường sắt Bắc - Nam hiện nay, là một trong những ga có lượng khách lên xuống tàu nhiều nhất khu vực miền Trung. Theo số liệu của ngành đường sắt, trung bình mỗi ngày đêm có hơn 20 chuyến tàu khách, hơn 10 chuyến tàu hàng ra vào ga Nha Trang.

Ga Nha Trang là nơi chứng kiến nhân dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh, nổ súng chống thực dân Pháp ngày 23-10-1945. Hiện nay, ga Nha Trang còn là một di tích lịch sử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm