Liên quan thông tin về sự tồn tại một mộ tập thể của hàng trăm liệt sĩ ở khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ngày 27-6, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thắng, người chủ trì tập hợp thông tin, dữ liệu về ngôi mộ tập thể, cho biết nguồn gốc của thông tin này là cả một quá trình kỳ công.
Từ sân bay Biên Hòa đến Tân Sơn Nhất…
Theo đó, vào năm 2016, ông và các cộng sự đã cung cấp thông tin về một ngôi mộ tập thể các liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa đến Ban chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Từ thông tin ban đầu đó, Đồng Nai đã liên hệ mời các quân nhân Mỹ sang và tìm được hố chôn tập thể vào ngày 15-4 vừa rồi. Trong đó có khoảng 150 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 được an táng trong khu vực sân bay Biên Hòa.
Từ đó, thông qua Ban chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, ông Thắng đã chuyển thông tin, tài liệu về một ngôi mộ tập thể khác của các liệt sĩ hy sinh tại phía Tây sân bay TSN cho Quân khu 7. Thông tin này cũng đã được gửi tới Trung tâm Phát thanh- Truyền hình Quân đội và nơi đây đã có văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) khảo sát.
Gần đây, có mặt ở sân bay TSN và chứng kiến quang cảnh tại địa điểm nghi vấn có ngôi mộ tập thể, ông Thắng cho hay nơi đây đang là một công trường thi công rất khẩn trương. “Mong muốn của chúng tôi là làm sao để việc xây dựng không bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn hài cốt để đưa các anh, các chú về” - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, quá trình thu thập tài liệu về ngôi mộ, ông và các cộng sự cũng tìm được các tài liệu về diễn biến trận đánh từ phía Mỹ ghi nhận. “Đó là những bằng chứng khách quan để chúng ta biết các anh, các chú đã chiến đấu dũng cảm như thế nào, một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Chúng tôi có cả những video ghi lại trận chiến đấu đó luôn, thật sự khủng khiếp, hết sức ác liệt” - ông Thắng bày tỏ.
Công trường đang thi công tại vị trí gần điểm mà nhóm cung cấp thông tin cho rằng có một ngôi mộ tập thể vẫn chưa được quy tập. Ảnh do ông Nguyễn Xuân Thắng cung cấp
Một số hình ảnh được gửi kèm văn bản gửi Cục Chính sách về vị trí và các dữ liệu hình ảnh cho thấy có khả năng tồn tại một khu mộ tập thể.
Sẽ khảo sát vị trí nghi vấn có mộ tập thể
Cùng ngày, chúng tôi đã liên lạc với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Ban chỉ đạo quốc gia 1237), đại diện đơn vị này cho biết đã nhận được công văn của Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội về đề nghị xác minh thông tin một ngôi mộ tập thể ở phía Tây sân bay TSN. “Chúng tôi ngoài này đã nhận được và đã chỉ đạo Quân khu 7. Ngay từ đầu, Quân khu 7 đã cử lực lượng phối hợp công tác cùng với Sư đoàn 370, hiện nay Quân khu 7 cũng đang làm báo cáo toàn bộ vấn đề này. Kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo sau” - đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 1237 thông tin.
Một nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCMcho hay trong tuần này, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 sẽ phối hợp cùng Bộ Tư lệnh TP.HCM và các sở, ngành liên quan khảo sát thực địa, xác minh thêm thông tin về dấu vết được cho là khu mộ tập thể trong sân bay TSN.
Trả lời báo chí ngày 27-6, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cũng cho biết đã nhận được thông tin về vụ việc. Sở đang lập kế hoạch trình UBND TP để phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thực tế.
Dừng thi công ngay khi có chỉ đạo Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho biết khu vực nghi vấn có mộ tập thể liệt sĩ hiện đang có công trường thi công Trung tâm Đăng kiểm thiết bị hàng không và một số công trình phụ trợ, do ngành hàng không và quân đội quản lý. Có thông tin là quận Tân Bình cũng đã có chủ trương là sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, dò tìm mộ liệt sĩ. Ông Mậu cho biết thêm nếu có văn bản của Bộ Quốc phòng chỉ đạo thì sẽ tiến hành dừng thi công các công trình để hỗ trợ quá trình khảo sát tìm mộ liệt sĩ. HỒNG TRÂM |