Khi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Thái Bình Dương

Hôm 20-11, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã chủ trì lễ đón chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam ở thủ đô Hà Nội.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyến thăm của ông Mark Esper sẽ kéo dài ba ngày, từ ngày 19 đến 21-11. Bộ trưởng Esper sẽ tiến hành hội đàm với Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và lãnh đạo Việt Nam về môi trường an ninh khu vực, cũng như cách thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.

Được biết Việt Nam nằm trong loạt công du tám ngày bốn nước châu Á bên cạnh các nước Thái Lan, Hàn Quốc và Philippines của ông chủ Lầu Năm Góc bắt đầu từ ngày 13-11.

Quan hệ Mỹ-Hàn và vấn đề Triều Tiên

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Á, ông Mark Esper đã đề cập tới việc Mỹ có thể điều chỉnh hoạt động quân sự của mình trên bán đảo Triều Tiên nếu điều này có ích cho các hoạt động đàm phán với Triều Tiên, theo tờ The Washington Post. Cụ thể, Mỹ có thể điều chỉnh cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc vào năm sau, hoạt động mà Triều Tiên luôn coi là một sự chuẩn bị cho các cuộc tấn công nước này và là động thái cản trở đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.

Dù ông Esper nói rằng Mỹ có thể điều chỉnh hoạt động quân sự của mình trên bán đảo Triều Tiên nhưng ông không nói rõ cụ thể sẽ điều chỉnh như thế nào. Ông đồng thời cũng cho biết mọi điều chỉnh sẽ được cân nhắc cùng với sự tham vấn của Hàn Quốc và đây không phải là một sự nhượng bộ đối với Triều Tiên.

Trên thực tế, Mỹ và Hàn Quốc đã giảm quy mô của các cuộc diễn tập quân sự chung với hy vọng thuyết phục Triều Tiên tiến tới một thỏa thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân, tuy nhiên điều này đã không mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, ông Esper để ngỏ khả năng điều chỉnh hoạt động quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc nhưng cũng nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh sẽ không làm ảnh hưởng tới sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội hai nước và diễn tập chung vẫn sẽ được tổ chức nhằm đối phó với mọi động thái từ phía Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) bắt tay người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại thủ đô Seoul hôm 15-11. Ảnh: AP

Củng cố cam kết của Mỹ với Đông Nam Á

Theo GS Yuanzhe thuộc ĐH Ngoại giao Trung Quốc, sự xuất hiện của người đứng đầu Lầu Năm Góc cho thấy việc thực thi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang gặp trở ngại.

“Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra những thông điệp mâu thuẫn về Đông Nam Á khi nói rằng các quốc gia này rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng lại không thực sự dành đủ nguồn lực, hoặc thậm chí dành sự quan tâm đến khu vực này. Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đang cố gắng thay đổi điều này” - ông Yuanzhe nói.

Tuy nhiên, tờ South China Morning Post nhận định không hẳn là ông Trump không quan tâm tới khu vực này mà thực tế ông Trump đang có quá nhiều vấn đề quan trọng khác phải bận tâm, cụ thể như cuộc điều tra luận tội trong nước hay thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, những vấn đề có thể ảnh hưởng tới kỳ bầu cử tổng thống năm 2020.

Có thể nói chuyến công du lần hai này của ông Esper đã đem lại nhiều thành công cho Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, liệu những thành quả này có giữ được hay không phụ thuộc vào thái độ của Washington mà đặc biệt là Tổng thống Donald Trump.

TS JOHN HAMRE, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược
Quốc tế (CSIS)
 

Đối với Mỹ, chuyến thăm của ông Esper đã đem lại cho Mỹ cơ hội củng cố thêm tầm quan trọng dành cho vùng Đông Nam Á nói chung và một loạt quốc gia Đông Nam Á cụ thể nói riêng trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hình thành một vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Sự có mặt của ông chủ Lầu Năm Góc cũng đã nêu bật tầm quan trọng của Đông Nam Á trong dư luận Mỹ vì lẽ khu vực này không được công chúng Mỹ chú ý bằng các cường quốc châu Á khác như Trung Quốc hay Nhật Bản.

Tại cuộc họp cấp cao thường niên Mỹ - ASEAN trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã chính thức chuyển lời mời của Tổng thống Donald Trump tới toàn thể lãnh đạo 10 nước trong khối ASEAN qua Mỹ dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào quý I-2020. Theo một số nhà quan sát, quyết định tổ chức thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN chỉ là động thái an ủi mà ông Trump dành cho các nước Đông Nam Á nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều đó phản ánh một mối quan tâm có thật của Mỹ đối với khu vực.

The Asia Times cho rằng việc cấp tốc tổ chức một thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN ngay vào đầu năm 2020 nằm trong một loạt động thái mạnh mẽ của Mỹ tại hội nghị ASEAN để chứng tỏ tầm quan trọng mà Washington dành cho khu vực Đông Nam Á. Lời mời là một trong một loạt cử chỉ nhằm thuyết phục ASEAN về quyết tâm dấn thân của Mỹ vào vùng Đông Nam Á.

Nếu thực sự diễn ra, một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt mới giữa Mỹ và ASEAN sẽ không phải là không có ý nghĩa. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, đây sẽ là một minh chứng sống động cho cam kết của Mỹ đối với khu vực, nơi đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán vào lúc mà tâm lý hoài nghi về vai trò của Washington đang tồn tại.

Ông Esper đánh giá cao quan hệ song phương Việt-Mỹ

Phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ngày 20-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Ông cho biết Washington mong muốn một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Esper cũng nhấn mạnh việc hợp tác quốc phòng hai nước sẽ tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới trên các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm