Khi cơ quan lập pháp lắng nghe ý kiến nhiều chiều

(PLO)- Trước khi thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung mà báo chí và các cơ quan thẩm tra đã góp ý, phản biện theo hướng mở hơn (so với dự thảo) cho hoạt động tác nghiệp của báo chí tại tòa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Nhiều người, đặc biệt là nhà báo, đã cảm thấy an tâm hơn khi cơ quan lập pháp đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung theo hướng mở hơn (so với dự thảo) cho hoạt động tác nghiệp của báo chí.

Có ba nội dung cơ bản mà báo chí (trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM) và Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý được cơ quan lập pháp tiếp thu, chỉnh lý. Đó là việc nhà báo xuất trình giấy tờ gì khi đến dự tòa để tác nghiệp, đưa tin; thứ hai là khi nào nhà báo phải xin phép khi ghi âm, ghi hình HĐXX và những người tham gia tố tụng; thứ ba là báo chí nếu đưa tin sai sự thật thì cơ quan nào xử phạt.

Nhà báo tác nghiệp tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhà báo tác nghiệp tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ở nội dung đầu, dự thảo (lần năm) pháp lệnh quy định nhà báo sẽ bị phạt nếu không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa. Có thể nói, nội dung này đã “vượt” quá Luật Báo chí 2016, bởi Luật Báo chí chỉ quy định khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, nếu pháp lệnh quy định phải có loại giấy tờ thứ hai là “giấy giới thiệu” thì chẳng khác nào “đẻ thêm giấy phép con”. Sau khi báo chí và Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật góp ý, pháp lệnh ban hành đã bỏ cụm từ “và giấy giới thiệu công tác” trong quy định trên.

Về việc ghi âm, ghi hình, dự thảo lần năm quy định nhà báo sẽ bị phạt nếu ghi âm, ghi hình HĐXX mà chưa được sự đồng ý của chủ tọa và ghi âm, ghi hình người tham gia phiên tòa mà họ chưa đồng ý ở cả phiên tòa hình sự và phiên tòa phi hình sự. Điều này là chưa tương thích với quy định của các luật, bộ luật tố tụng. Theo đó, BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính đúng là có quy định nhà báo phải xin phép như thế nhưng nội quy phiên tòa trong BLTTHS thì không có quy định này.

Sau khi báo chí và các cơ quan thẩm tra phân tích, cơ quan lập pháp đã chỉnh lý theo hướng việc phạt nhà báo chỉ đặt ra nếu họ vi phạm trong phiên tòa dân sự và hành chính, riêng ở phiên tòa hình sự thì không. Tuy nhiên, ở phiên tòa hình sự, mọi người (tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng và cả nhà báo, người dự khán khác) vẫn phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Ở nội dung xử phạt báo chí đưa tin sai, dự thảo lần năm pháp lệnh quy định nhà báo, báo chí đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị người có thẩm quyền quy định trong pháp lệnh xử phạt. Nội dung này được báo chí và cơ quan thẩm tra phản biện và cuối cùng cơ quan lập pháp đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng nếu báo chí, nhà báo đưa tin sai sự thật thì sẽ áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí…

Phát biểu tại phiên họp chuyên đề thông qua pháp lệnh này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói: “Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ. Báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài dự thảo pháp lệnh không thống nhất với luật, chúng tôi có đọc, trực tiếp tôi và đồng chí chánh án, đồng chí chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã trao đổi”.

Với phát biểu của ông Định, có thể thấy nếu báo chí phân tích, các cơ quan thẩm tra phản biện đúng thì cơ quan lập pháp luôn tiếp thu, chỉnh lý. Từ đó, văn bản pháp luật khi ban hành sẽ bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Đây là tiền đề quan trọng để văn bản pháp luật có tính khả thi cao khi đi vào thực tiễn, nhận được sự đồng thuận của người dân, nhất là của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản pháp luật ấy…

Thực ra Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định rất rõ về việc bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Vì vậy, trước khi VBQPPL được ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo thường tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi, nhất là đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản ấy.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Đó là lý do vì sao có không ít văn bản pháp luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành và các quy định đã ban hành trước đó. Đặc biệt, có văn bản sau khi đã được bấm nút thông qua chúng ta mới phát hiện ra nhiều lỗi đến mức phải có văn bản lùi hiệu lực thi hành để tiến hành sửa đổi, bổ sung như trường hợp của BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

(Báo Pháp Luật TP.HCMphát hiện ra BLHS 2015 có vài thiếu sót, sau đó các cơ quan chức năng đã rà soát và phát hiện ngoài BLHS 2015 thì BLTTHS 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng có những thiếu sót khác. Từ đó, Quốc hội đã thống nhất lùi thời hạn thi hành để tiến hành sửa đổi, bổ sung bốn luật, bộ luật này vào năm 2017 như chúng ta đã biết).

Trở lại Pháp lệnh liên quan đến hoạt động tố tụng, có thể nói sự tiếp thu, điều chỉnh kịp thời những góp ý của các cơ quan chức năng đã khiến báo chí một lần nữa thêm vững tin vào sự lắng nghe của những người có trách nhiệm. Đó là động lực thúc đẩy báo chí và các cơ quan thẩm tra có trách nhiệm hơn nhằm góp phần chia sẻ, đồng hành trong hoạt động lập quy, lập pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm