Đầu tháng 8-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội thảo kinh nghiệm phòng, chống bạo hành gia đình, nhiều đại biểu các tỉnh, thành phía Nam đã đến tham dự. Chị Lý Thị Kiệp (Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long) đã chia sẻ: “Hầu hết các vụ bạo lực gia đình đều do nam giới gây ra. Nhưng cá biệt cũng có những vụ do phụ nữ gây ra cho đàn ông”.
Chồng quậy bị vợ đánh
Chị Kiệp cho biết có một anh chồng bị vợ bạo hành bầm tím mình mẩy, chi hội phụ nữ báo lên nên chị đến gặp để nắm tình hình. Qua tìm hiểu, chị biết được một trường hợp người chồng hay nhậu nhẹt, đập phá đồ đạc. Khi say xỉn, anh còn hay đánh vợ. Bởi anh “lầy” quá nên vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, cự cãi. Vài lần anh đi nhậu về, chị vợ đã nổi giận đánh chồng. Tuy vậy, khi gặp người chồng, anh này chối bay chối biến.
Chị Kiệp nói: “Có thể có những vụ phụ nữ bạo hành do nguyên nhân khác nhưng rất khó tiếp cận do nạn nhân nam gần như không bao giờ báo lên hội đoàn thể nhờ can thiệp, giúp đỡ do họ mắc cỡ. Nhưng tôi chắc rằng hầu hết các vụ bạo hành từ phụ nữ đều do trước đó họ đã là nạn nhân”.
Bà Lê Thị Thanh Nhã (chuyên gia nghiên cứu gia đình, nguyên Trưởng phòng Văn hóa gia đình Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM) cũng cho rằng việc từng chịu đựng bạo hành là một trong những nguyên nhân chính khiến phái nữ “ra tay” trở lại với chồng. Bà từng làm việc với chị V. (huyện Bình Chánh) sau khi chị này bị phạt hành chính do đánh chồng bầm tím mặt mày. Anh T. (chồng chị V.) hay cự cãi và đánh vợ, nhiều lần đuổi vợ ra khỏi nhà và thay luôn các ổ khóa. Không thể mở được cửa vào nhà, chị V. đã thuê người mở khóa. Sau đó, chị đợi anh trở về và lao ra đánh một trận quyết “ăn thua đủ”. Sau đó, chị cũng đổi hết các ổ khóa để chồng không vào nhà được. Việc cự cãi của vợ chồng chị ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh. Tuy nhiên, khi hội đoàn thể đến giúp tháo gỡ mâu thuẫn trong gia đình thì anh chồng chối ngay việc bị vợ đánh.
Ghen tuông mù quáng
Tuy nhiên, có những vụ việc mà người chồng không thể giấu giếm được nữa do phải… nhập viện. Đó là trường hợp anh NSG (nuôi ong tại huyện Long Hồ, Vĩnh Long). Do anh xa nhà lâu ngày nên vợ anh phải sắp xếp đi thăm chồng. Vợ anh hay ghen tuông nghi ngờ anh có bồ bên ngoài nên vợ chồng xảy ra cự cãi thường xuyên. Một hôm anh NSG bực bội quát mắng vợ ghen tuông vô cớ, chị vợ đã vác dao chém chồng mình 13 nhát dẫn đến trọng thương. Anh NSG đã phải nhảy xuống mương nước, trốn đến nhà người quen nhờ đưa đi bệnh viện. Vụ việc khá nghiêm trọng nhưng anh NSG không báo cho bất cứ ai, cũng từ chối cung cấp thông tin. Chị Lý Thị Kiệp cũng cho biết do vợ chồng anh NSG không phải dân địa phương nên hội cũng không thể can thiệp, bởi sau vụ việc chị vợ đã rời địa phương.
Trong năm 2016, người gây bạo lực chủ yếu là nam giới chiếm 93,1%. Như vậy, phụ nữ gây bạo lực được ghi nhận có tỉ lệ khá thấp, chỉ chiếm 6,9%. Các vụ phải xử lý hình sự đều do nam gây ra. (Nguồn: Hội LHPN TP.HCM) |
Không chấp nhận sự “yếu kém” của chồng
Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ: “Tôi cho rằng các hội đoàn thể rất khó tiếp cận được các ca bạo hành do phụ nữ gây ra. Nhưng ở công việc của một luật sư, tôi tiếp xúc được những ca bạo hành tinh thần khá nghiêm trọng do phụ nữ gây ra. Họ không chấp nhận được người bạn đời và gây ra bạo hành”.
Thân chủ của luật sư Sang là anh N. (quận 12). Anh làm công nhân lái máy ủi, máy xúc cho các công trình xây dựng, thu nhập khá tốt. Tính cách anh N. hiền lành, ngại giao tiếp. Vợ anh thì ngược lại. Chị xinh đẹp, giao tiếp rộng, có vị trí xã hội. Vì đi theo công trình nên hai, ba tuần anh mới về nhà. Mỗi lần về nhà, vợ anh đều kiếm chuyện chửi bới, bắt anh ngồi im nghe để chứng tỏ… tình yêu với vợ. Chị luôn chê bai tính cách quê mùa, công việc công nhân của anh. Chị cũng công khai với anh việc chị có bồ vì buồn chán trong thời gian anh đi vắng. Anh tìm đến luật sư nhờ tư vấn ly hôn nhưng vẫn hỏi: “Có cách nào để vợ tôi hồi tâm chuyển ý được hay không? Tôi không muốn ly hôn”. Nhưng cuối cùng gia đình anh N. vẫn tan vỡ.
Bà Lê Thị Thanh Nhã cho biết cũng đã “gửi gắm” phường và quận giám sát, hỗ trợ một ca bạo hành tinh thần kéo dài do người vợ quá coi thường chồng mình. Người vợ là chủ quán ăn, chị quản chồng theo cách quản người làm trong quán, thường xuyên la mắng, xúc phạm, đánh đập, cấm cửa không cho chồng ra ngoài. Người chồng rất yếu đuối nên chịu đựng. Tuy nhiên, hàng xóm của họ đã bức xúc báo lên các hội đoàn thể nhờ can thiệp.
Phong tỏa kinh tế cũng là một dạng bạo hành Thực ra thì phụ nữ cũng hay gây ra bạo hành nhưng không giống đàn ông. Họ ít khi bạo hành trên cơ thể mà bạo hành tinh thần. Ví dụ như kiểm soát hết thu nhập của chồng và không đưa lại tiền để anh ta thực hiện các nhu cầu chính đáng của bản thân. Điều đó dễ gây ra ức chế kéo dài, gây ra xung đột, bạo hành ở các dạng khác và gây tan vỡ. Như vậy cũng rất “khốc liệt”. Khi tư vấn, tôi hay gặp các trường hợp này. Bà LÊ THỊ THANH NHÃ |