Văn phòng của Trung Quốc (TQ) về các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) ngày 3-9 đã tổ chức cuộc họp báo lần thứ tư để bàn về khủng hoảng chính trị tại Hong Kong. Ba cuộc họp báo trước diễn ra vào các ngày 12-8, 6-8 và 29-7. Hơn ba tháng biểu tình tại thuộc địa cũ của Anh này, xung đột giữa chính quyền đặc khu và người dân vẫn chưa được giải quyết nhưng bạo lực tiếp tục gia tăng. Phát ngôn viên của HKMAO Yang Guang mô tả tình hình vẫn rất phức tạp và là “dấu hiệu của khủng bố”.
Cuối tuần rồi, người biểu tình một lần nữa phong tỏa các tuyến đường dẫn đến sân bay quốc tế Hong Kong, báo South China Morning Post đưa tin. Đặc biệt, những người biểu tình cực đoan đã ném ít nhất 100 quả bom xăng vào các lực lượng cảnh sát. Họ bắn trả bằng 240 viên đạn hơi cay, 92 viên đạn cao su, 10 viên đạn bọt biển vào dòng người biểu tình. Cảnh sát công bố ngày 2-9 rằng 1.117 người đã bị bắt kể từ khi khủng hoảng nổ ra hồi tháng 6.
Khủng bố chính trị?
Bàn về những yêu cầu của người biểu tình Hong Kong dành cho Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, phát ngôn viên của HKMAO Yang Guang khẳng định những yêu cầu này phải dựa trên luật pháp, đồng thời lên án những người biểu tình “cực đoan” vì làm gián đoạn cuộc sống của người dân và sự thịnh vượng của Hong Kong nhằm phục vụ lợi ích của chính họ.
Người biểu tình đã đưa ra năm yêu cầu cho bà Lâm, trong đó có việc chính thức rút bỏ dự luật, lập một ủy ban điều tra hành động của cảnh sát với người biểu tình, cải cách chính trị. Tại cuộc họp báo hôm qua, ông Yang cho rằng trong một xã hội có luật pháp, mọi yêu cầu đều phải dựa trên quy định luật pháp. Người phát ngôn HKMAO lên án các phần tử cực đoan đã cố tình gây rối loạn cuộc sống người dân và sự thịnh vượng của Hong Kong nhằm phục vụ mục đích của mình. Ông này cho rằng hành động của người biểu tình giờ đây không còn liên quan đến dự luật dẫn độ mà đang nhắm vào chính quyền Hong Kong. Đặc biệt, ông Yang gọi đây là hành động “khủng bố chính trị”.
Theo bà Xu Luying, phát ngôn viên khác của HKMAO, Bắc Kinh luôn ủng hộ cảnh sát và chính quyền đặc khu “trừng phạt” những người liên quan gây ra bạo lực tại TP này. Nhưng nếu tình hình tiếp tục leo thang và đạt đến điểm mà chính quyền địa phương không thể đối phó, chính phủ trung ương TQ sẽ không làm ngơ và có thể giúp đỡ chính quyền Hong Kong theo các điều khoản được quy định trong Luật Cơ bản, bà nói thêm.
Bà Xu trích dẫn Điều 18 Đạo luật Căn bản, theo đó luật pháp trung ương có thể được áp dụng tại Hong Kong nếu TP này tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tình huống này sẽ cho phép Bắc Kinh gửi quân đội tới đặc khu. Bác bỏ luận điểm cho rằng việc huy động quân đội sẽ chấm dứt hệ thống “một quốc gia, hai chế độ”, bà Xu nhấn mạnh quân đội chỉ được huy động một khi tình hình ở Hong Kong vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.
Hình ảnh biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: AP
Một Hong Kong đầy hỗn loạn
Hong Kong đang chứng kiến một trong những thời điểm hỗn loạn nhất trong 14 tuần vừa qua của phong trào chống chính phủ. Người biểu tình đốt lửa, ném bom xăng vào cảnh sát chống bạo động, trong khi cảnh sát cũng bắn trả bằng đạn hơi cay, đạn bọt biển và sử dụng dùi cui.
Những người biểu tình đang làm tê liệt hệ thống giao thông, chống lại cảnh sát và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Họ cũng đã sử dụng vũ khí gây chết người và thông tin cá nhân của 1.600 cảnh sát đã bị rò rỉ trên Internet. Ban đầu tôi không hiểu thế nào là đôi bên cùng chịu thiệt hại. Khi tôi biết rằng đó là chết cùng nhau, tôi có thể cảm nhận được mùi vị của khủng bố trong tình hình này. YANG GUANG, phát ngôn viên Văn phòng của TQ về các vấn đề |
Các tuyến đường dẫn đến sân bay quốc tế Hong Kong bị tê liệt, sân bay bị phong tỏa. Mới đây, hàng ngàn học sinh, sinh viên Hong Kong đã tham gia bãi khóa nhằm góp thêm tiếng nói biểu tình đúng ngày đầu tiên của năm học mới.
Phát ngôn viên Xu Luying cho rằng các nhóm đối lập đang kích động các cuộc đình công và cố gắng truyền bá tư tưởng biểu tình đến trường học. Theo bà Xu, những người trẻ tuổi này đã bị “sử dụng như quân bài đàm phán trong cuộc đấu với chính quyền”. Đồng thời, giáo viên nên là người giáo dục học sinh chứ không phải truyền bá những ý tưởng chính trị, bà Xu phát biểu trong cuộc họp báo mới đây về tình hình khủng hoảng của Hong Kong.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga: “Không từ chức là lựa chọn của riêng tôi” Ngày 2-9 xuất hiện một đoạn băng ghi âm cho thấy Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói trong một cuộc họp kín rằng bà sẽ từ chức nếu được lựa chọn vì đã gây ra “sự tàn phá không thể tha thứ” với Hong Kong, theo báo South China Morning Post. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu cuộc họp Hội đồng Hành pháp vào sáng 3-9, đối diện với thắc mắc từ truyền thông, bà Lâm khẳng định bà chưa bao giờ có ý định từ chức hay nêu ra đề nghị được từ chức với chính phủ TQ. Theo bà Lâm, trong đoạn băng bà chỉ đơn giản muốn cố gắng giải thích rằng chuyện từ chức không phải là một chọn lựa dễ dàng. Khi được hỏi liệu có phải chính phủ TQ ngăn bà từ chức hay không, bà Lâm nói rõ chính bản thân bà chọn ở lại với vị trí đặc khu trưởng để giải quyết tình hình, bác bỏ ý kiến rằng sở dĩ bà không từ chức được là vì chính phủ đại lục không đồng ý. Úc kêu gọi Hong Kong kiềm chế và đối thoại Ngoại trưởng Úc Marise Payne kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt bạo lực trong TP, đồng thời gửi lời rằng chính quyền Hong Kong nên lắng nghe người dân. Theo bà Payne, cư dân Hong Kong có mối quan tâm chính đáng và phần lớn người biểu tình đang thực hiện quyền biểu tình của họ một cách hòa bình. “Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình thông qua đối thoại” - tờ The Australian dẫn lời bà Payne nói. Hiện có khoảng 100.000 người Úc định cư tại Hong Kong và khoảng 600 doanh nghiệp Úc hoạt động tại đặc khu này. |