Theo nghiên cứu mới nhất của KIS Research, diễn biến dòng vốn tại khu vực Đông Nam Á bất ngờ chứng kiến sự đảo chiều tích cực, khi dòng vốn vào tái xuất hiện ở mức cao. Tổng giá trị vào ròng ghi nhận trong tuần ở mức 196,6 triệu USD, cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Việt Nam và Malaysia là những điểm sáng quan trọng nhất khi lực cầu tăng mạnh, Thái Lan thì áp lực rút vốn suy yếu, còn Singapore và Indonesia thì xuất hiện lực cầu trên các quỹ chủ đạo.
Chấm dứt 4 tuần thoái vốn liên tiếp của nhà đầu tư ngoại
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, trong tuần gần nhất, lực cầu bất ngờ trở lại đầy mạnh mẽ trên các quỹ chủ đạo, chấm dứt chuỗi 4 tuần liên tiếp thoái vốn trước đó. Tính ra khoảng 106 triệu USD đổ vào thị trường nội địa trong tuần, mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Đối với các quỹ hoán đổi danh mục ETF, diễn biến có sự đồng pha khi giá trị vào ròng tăng mạnh trên nền thấp trước đó, lên mức 16.4 triệu USD trong tuần.
Về hoạt động của các quỹ, lực cầu tập trung chủ yếu ở ELITE (60,1 triệu USD), CTBC VIETNAM EQUITY FUND (17,8 triệu USD), DCVFMVN DIAMOND (21,1 triệu USD), LIONGLOBAL VIETNAM FND (6,2 triệu USD) và JPM VIETNAM OPP FUND (3,7 triệu USD).
Ở hướng ngược lại, áp lực rút vốn vẫn hiện hữu ở FUBON FTSE VIETNAM (3,4 triệu USD), DCVFMVN30 ETF (1,6 triệu USD).
Các chuyên gia thuộc KIS Research nhận thấy, lực cầu tuy vẫn có sự tập trung ở một số quỹ chủ động nhưng dần đã có sự lan rộng. Dựa trên cơ sở tích cực từ vĩ mô và tình hình tỷ giá, chuyên gia KIS Reseach kỳ vọng, dòng vốn vào sẽ tiếp tục hiện hữu trong thời gian tới, sẽ gia tăng trong cuối năm và quý I-2025.
Nhiều yếu tố tích cực từ bên ngoài và bên trong
Theo nghiên cứu mới công bố của SSI Research, những yếu tố bao gồm kịch bản “hạ cánh mềm” của Mỹ hay các biện pháp kích cầu mạnh tay của Trung Quốc sẽ giúp cho tâm lý đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu trở nên tích cực hơn.
Dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu nhiều khả năng ghi nhận sự bứt phá hơn nữa trong tháng 10 nếu kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp đạt hoặc vượt kỳ vọng. Cùng lúc đó, biến động chính trị Trung Đông và bầu cử tại Mỹ cũng giúp cho dòng tiền vào quỹ trái phiếu duy trì nhịp độ khả quan.
Các tổ chức quốc tế trong thời gian gần đây cũng có những đánh giá tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Sau kết quả GDP quý III tăng cao, Ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 6,4%.
UOB đưa ra dự báo này sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP quý III tăng 7,4%, bất chấp tác động của bão Yagi. Theo UOB, kết quả này "bất ngờ"; vì vượt dự báo của họ là 5,7% và trung bình thị trường ở mức 6,1%.
Đây cũng là tốc độ cao nhất kể từ quý III-2022, tạo nên mức tăng tích lũy 9 tháng đầu năm là 6,82% so với cùng kỳ 2023. Do đó, ngân hàng UOB mạnh tay nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm lên mức 6,4% để "phản ánh kết quả tính đến hiện tại và cả sự gián đoạn trong các hoạt động ở đầu quý IV/2024".
Trước đó, ngân hàng này giảm dự báo tăng trưởng Việt Nam còn 5,9% sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, gây thiệt hại 81.500 tỷ đồng, theo Bộ KH&ĐT.