Sáng 25-10, sau khi thảo luận trực tuyến về sửa đổi một số điều của BLTTHS 2015, các đại biểu quốc hội thảo luận ở tổ về Dự luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội cho rằng bảo hiểm là rất quan trọng nên dự thảo luật này cũng rất quan trọng.
Ông nói: “Cuộc sống của chúng ta không có bảo hiểm thì như đi cầu thang mà không có tay vịn. Lần sửa đổi luật này sau 20 năm luật có hiệu lực nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”.
Chủ tịch Quốc hội cũng như nhiều đại biểu khác cho rằng dư địa của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất nhiều để phát triển dù thời gian qua thị trường này tăng trưởng nhanh.
Chủ tịch Quốc hội nói sửa luật Kinh doanh bảo hiểm lần này cũng có thể là giải pháp thiết thực để phục hồi kinh tế. Ảnh: QH
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng: các nước có các chỉ số đánh giá đóng góp vào GDP của thị trường bảo hiểm. Nước ta hiện bảo hiểm đóng góp mới chỉ khoảng dưới 4% GDP, Đông Nam Á và Châu Á ở mức 7%.
“Dư địa đóng góp của bảo hiểm đối với GDP còn rất lớn. Nên sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm để thúc đẩy thị trường bảo hiểm là cần thiết”, ĐB An nói.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng: tháo gỡ vướng mắc tại thị trường bảo hiểm là điều rất quan trọng, tác động tốt cho thị trường vốn. “Bảo hiểm là một loại hình dịch vụ, ngày càng có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Chủ trương của chúng ta là tốc độ tăng dịch vụ nhanh hơn tốc độ tăng GDP. Trong đó chú trọng vào các loại hình dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic…”
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu: ở các nước tư bản, thị trường bảo hiểm rất phát triển. “Một người thử rượu vang cũng có thể mua bảo hiểm cái lưỡi của mình hay một người mẫu cũng mua bảo hiểm bộ phận thân thể của mình”, ông Cường nêu.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đồng tình với các đại biểu khác về việc cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để cho nhiều người tham gia và qua đó huy động được nguồn lực xã hội.
“Đi ra nước ngoài, cứ cạnh một chi nhánh ngân hàng thì có một chi nhánh công ty bảo hiểm”, ông Hùng nêu.
Tuy vậy, ông cũng băn khoăn liệu việc sửa luật lần này có tạo ra một cú hích cho thị trường bảo hiểm hay không. Theo báo cáo của Chính phủ, thì sửa luật lần này sẽ quy định và giúp doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt hơn khi quản trị rủi ro được đưa lên hàng đầu, hạn chế các doanh nghiệp yếu kém tham gia để thị trường lành mạnh, có sản phẩm bảo hiểm tốt.
Đồng thời, dự luật cũng đưa ra yêu cầu về áp dụng CNTT, giúp người mua bảo hiểm có thể ký kết hợp đồng trực tuyến, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm. Và điểm thứ ba là giảm được rào cản là thủ tục hành chính.
“Nhưng theo tôi, ba lý do trên đều tập trung vào tạo thuận lợi cho người bán bảo hiểm, còn chưa biết sẽ giúp cho người mua bảo hiểm là gì. Liệu kiến thức của người mua bảo hiểm có được nâng lên? Quyền lợi của họ được bảo đảm thế nào? Cái này Chính phủ cần thuyết trình rõ hơn”, ông Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội thì cho rằng: “Tới đây, chúng ta vừa phòng chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế nếu mà có dự án luật mới đi vào thực tế cuộc sống giúp đẩy thị trường bảo hiểm lên cũng là một giải pháp thiết thực”.