Căng thẳng nghiêm trọng giữa hai láng giềng Pakistan và Ấn Độ ở khu vực biên giới Kashmir trong tuần qua khiến nhiều người lo ngại có nguy cơ hai bên sẽ xung đột lớn.
Đợt căng thẳng nguy hiểm này bắt đầu khi Ấn Độ ngày 26-2 thực hiện một chiến dịch không kích nhắm vào căn cứ của nhóm vũ trang Jaish-e-Mohammad nằm ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Nhóm này trước đó đã nhận trách nhiệm vụ tấn công vào đoàn xe an ninh Ấn Độ vào ngày 14-2 khiến 45 thành viên lực lượng bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng.
Vụ không kích của Ấn Độ khiến quan hệ giữa nước này và Pakistan leo thang nguy hiểm. New Delhi chỉ trích Islamabad che giấu nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad, cáo buộc Pakistan “trực tiếp nhúng tay” vào vụ tấn công vào đoàn xe an ninh Ấn Độ.
Ấn Độ nói họ thực hiện vụ không kích vì “sự bất lực của Pakistan trong hành động tiêu diệt hạ tầng khủng bố”.
Trong khi đó, Pakistan bác bỏ cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công, đồng thời phản pháo ngược rằng đây là chiến lược của Ấn Độ nhằm lái sự chú ý vào Ấn Độ khỏi các vi phạm nhân quyền của họ ở Kashmir.
Hội đồng An ninh Quốc gia Pakistan cho rằng vụ không kích của Ấn Độ không phải nhằm vào nhóm vũ trang Jaish-e-Mohammad mà cố tình xâm phạm không phận Pakistan. Bộ Ngoại giao Pakistan nói nước này xem vụ không kích của Ấn Độ là “hành động khiêu khích”, đe dọa an ninh khu vực, tuyên bố sẽ đáp trả.
Ngày 27-2, hãng tin ANI của quân đội Paksitan cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã bắn rơi hai chiếc máy bay của không quân Ấn Độ vi phạm không phận Pakistan ở vùng Kashmir.
Một chiếc rơi xuống vùng Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir, hai phi công trên chiếc máy bay này thiệt mạng. Chiếc còn lại rơi xuống khu vực Pakistan kiểm soát ở Kashmir và phi công của chiếc máy bay này bị phía Pakistan bắt.
Xác chiếc máy bay chiến đấu Ấn Độ bị Pakistan bắn rơi ngày 27-2. Ảnh: AP
Tối 1-3, phía Pakistan đã trao trả một phi công bị bắt cho phía Ấn Độ. Ngoài ra Pakistan cũng mở cửa lại không phận, cho biết sẽ nối lại vận tải đường sắt. Các động thái này đã giúp giảm phần nào căng thẳng hai bên.
Tuy nhiên, cũng trong đêm 1-3 và rạng sáng 2-3 hai bên đã xảy ra đấu pháo nghiêm trọng làm bảy người chết phía Pakistan và bốn người chết phía Ấn Độ.
Tình hình biên giới Kashmir ngày 3-3 khá yên tĩnh, tuy nhiên lo ngại xung đột bùng phát vẫn còn đó. Theo ông Chaudhry Tariq Farooq, lãnh đạo vùng Kashmir phía Pakistan, “bạn không thể biết khi nào nó lại xảy ra lần nữa, căng thẳng vẫn rất lớn”.
Hiện người dân hai bên ở khu vực biên giới Kashmir kéo nhau vào các khu trú ẩn tạm thời, lo ngại xung đột tiếp tục nổ ra.
Hai nước đã trải qua ba cuộc chiến từ khi độc lập khỏi Anh năm 1947 và đây là lần đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 1999.
Dân Pakistan tại vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát mang quan tài một cậu bé mà họ cho bị thiệt mạng vì đạn pháo từ phía vùng Kashmir Ấn Độ kiểm soát bắn sang đi chôn ngày 2-3. Ảnh: REUTERS
Dù thế, nhiều chuyên gia nhận định nguy cơ xảy ra xung đột quy mô lớn hay chiến tranh toàn diện giữa hai bên rất nhỏ, vì cả hai đều e ngại tiềm lực quân sự của nhau, đặc biệt khi cả hai đều là các quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Theo số liệu thống kê từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Ấn Độ có từ 130-140 đầu đạn hạt nhân, Pakistan nhỉnh hơn chút ít, có từ 140-150 đầu đạn hạt nhân.
Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân tầm xa có thể phóng tới quần đảo Andaman của Ấn Độ và hiện đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển.
Trong khi đó Ấn Độ đã có đủ “bộ ba hạt nhân”, có khả năng tiến hành tấn công từ mặt đất, trên không và trên biển, đã đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
Theo các chuyên gia, cả hai nước đều biết rõ hậu quả sẽ thảm khốc thế nào nếu leo thang xung đột. Ngày 2-3, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh cho biết Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ Pakistan chống khủng bố. Về phần mình, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cũng nói các vấn đề hai bên cần được giải quyết bằng ngoại giao và đối thoại.