THƯỢNG NGHỊ SĨ MỸ JOHN MCCAIN:

“Không để Trung Quốc tự tung tự tác”

“Không để Trung Quốc tự tung tự tác” ảnh 1

Tàu Philippines vẫn hoạt động trong vùng biển gần bãi cạn Scarborough bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc - Ảnh: Daily Inquirer

Reuters dẫn lời một số chuyên gia phương Tây mô tả “cây gậy nhỏ” mà Trung Quốc sử dụng là đội tàu tuần tra trang bị vũ khí hạng nhẹ của Cục Ngư nghiệp, Cục Hải giám và các cơ quan dân chính khác. Bắc Kinh không dùng tàu chiến nhằm tránh tiếng là kẻ gây hấn. Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang muốn giảm thiểu nguy cơ xung đột nhưng không muốn thỏa hiệp qua hơn một tháng đối đầu với Philippines tại bãi cạn Scarborough.

Tương tự, các chuyên gia Pháp, trên báo Le Monde trước đó, cho rằng Trung Quốc “đang tìm cách chiếm lấy các vùng biển” mà họ cho là của họ bằng các tàu bán quân sự và tàu cá.

Tờ Tin Nhanh Hàng Châu dẫn lời chuyên gia an ninh Thẩm Đinh Lập thuộc ĐH Phúc Đán thừa nhận Trung Quốc đã không sử dụng tàu chiến để thị uy mà sử dụng tàu bán quân sự nhằm chứng minh Bắc Kinh đang sử dụng “quyền lực mềm”, để tránh không mang tiếng là kẻ gây chiến bằng chính sách “ngoại giao tàu chiến”.

Dùng ngư dân để gây hấn

Bắc Kinh đã không hề có dấu hiệu thỏa hiệp trong cuộc đối đầu với Philippines tại bãi cạn Scarborough từ ngày 8-4, khi vẫn để hai tàu hải giám 75 và 84 cùng tàu ngư chính 310 gây căng thẳng ở khu vực bãi cạn này.

“Quyền lực mềm” của Trung Quốc, theo ông Thẩm, còn là đội tàu đánh cá tư nhân nhưng được chính phủ chống lưng gần như tuyệt đối. Những chiếc tàu này sẵn sàng gây hấn nếu gặp tàu đánh cá hay tàu khảo sát của các nước láng giềng. Bắc Kinh luôn mô tả ngư dân Trung Quốc “chỉ hành động tự vệ” trong lúc kiếm sống ở khu vực được cho là “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, báo mạng Asia Times nhận định hành vi của các ngư dân Trung Quốc mang tính “chiến tranh cấp thấp”. Nhiều nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm ngư dân Trung Quốc có mối liên hệ với quân đội hoặc các lực lượng bán quân sự ở Trung Quốc trước khi ra biển hành nghề. Thậm chí có ý kiến cho rằng trước khi ra khơi đến các vùng biển tranh chấp, họ đều báo cáo đường đi cho các lực lượng quân đội.

Giới chuyên gia an ninh biển cho rằng các đội tàu cá Trung Quốc đến các vùng biển tranh chấp theo lệnh của chính phủ hơn là để bắt cá. “Để thực thi tuyên bố chủ quyền của mình, Chính phủ Trung Quốc đã điều những tàu cá này đến các vùng biển tranh chấp và đảm bảo sẽ bảo vệ họ” - Asia Times dẫn lời nhà nghiên cứu chính trị ĐH Đài Loan Arthur Ding nhận định. Giáo sư John F Copper thuộc ĐH Rhodes (Mỹ) cho rằng ngư dân Trung Quốc “có thể không được huấn luyện quân sự nhưng được chính quyền đền bù nếu bị thương và tàu thuyền bị hư hại hay bị nước ngoài bắt giữ”.

Để kiềm chế “sự hung hăng của Trung Quốc”

Tự xem biển Đông là “ao nhà”, ngày 16-5 Tân Hoa xã cho biết lệnh ngưng đánh bắt cá trên biển Đông do Trung Quốc ấn định bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, Bắc Kinh cấm tất cả tàu đánh cá nước ngoài đánh bắt trong khu vực mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền.

Philippines đã thẳng thừng bác bỏ lệnh cấm này và như báo Daily Inquirer cho biết, Philippines sẽ đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra hội nghị ASEAN - Mỹ, diễn ra từ ngày 20 đến 22-5 tại Manila. Theo báo này, có khả năng Manila sẽ nhấn mạnh đến lợi ích của Mỹ ở biển Đông cùng tuyến đường hàng hải huyết mạch có giá trị thương mại 5.000 tỉ USD/năm để tranh thủ sự ủng hộ hơn nữa của Washington.

Trong khi đó, Washington đang theo sát các diễn biến ở châu Á - Thái Bình Dương. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain mới đây đã tuyên bố Mỹ cần tăng cường sự hiện diện ở biển Đông. “Mỹ phải đảm bảo rằng Trung Quốc không thể tự tung tự tác trong khi các nước nhỏ hơn ở châu Á đang phải chịu đựng” - Reuters dẫn lời ông McCain khẳng định.

Ông John McCain nói ông không chủ trương ủng hộ Mỹ can thiệp trực tiếp vào biển Đông, song nhấn mạnh việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương là cần thiết để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc ở đây cũng như các nơi khác trong khu vực. Khi căng thẳng trên biển Đông vẫn tiếp diễn, việc Bắc Kinh tiếp tục đổ tiền đầu tư vào kỹ thuật quân sự tối tân, từ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đến tàu sân bay Thi Lang, chính là đang đổ thêm dầu vào lửa, gây thêm căng thẳng trên vùng biển này.

Thượng nghị sĩ McCain đang kêu gọi thượng viện nhanh chóng phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS). Lầu Năm Góc cho rằng sự tham gia của Washington vào UNCLOS sẽ là chìa khóa tháo gỡ ngòi nổ cho vấn đề biển Đông.

Chuyên gia Christian Le Miere thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế London nhận định nếu Trung Quốc làm quá, điều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp thì Mỹ có thể sẽ phản ứng mạnh hơn hiện nay.

Theo Mỹ Loan (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm