Không thể kiểm soát không phận Ukraine, trực thăng đặc biệt 'Cá sấu' Ka-52 của Nga chịu thiệt nhiều nhất

(PLO)- Trực thăng tấn công "Cá sấu" Ka-52 tham gia cuộc xung đột Nga-Ukraine nhiều hơn bất kỳ trực thăng nào khác của Nga kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch đặc biệt, nhưng đây cũng là trực thăng bị tổn thất nhiều nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong số tất cả máy bay trực thăng của Không quân Nga, “Cá sấu” Ka-52 có lẽ là trực thăng đặc biệt nhất.

Trực thăng đặc biệt nhất

Với thiết kế cánh quạt đồng trục khác thường và cách sắp xếp chỗ ngồi phi hành đoàn cạnh nhau, trực thăng Ka-52 giữ vai trò tiền tuyến và tích cực tham gia cuộc xung đột Nga-Ukraine nhiều hơn so với bất kỳ trực thăng tấn công nào khác của Nga kể từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng Ukraine hồi tháng 2, theo trang Business Insider.

Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52 của Nga bay qua Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow tháng 6-2020. Ảnh: ALEXANDER NEMENOV/AFP/Getty Images

Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52 của Nga bay qua Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow tháng 6-2020. Ảnh: ALEXANDER NEMENOV/AFP/Getty Images

Cũng chính vì hoạt động tích cực nhất nên Ka-52 dường như cũng chịu tổn thất nhiều nhất trong số những trực thăng của Nga. Hồi tháng 10, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng ít nhất 23 chiếc Ka-52 đã bị bắn rơi kể từ tháng 2. Con số này chiếm hơn 25% phi đội Ka-52 đang biên chế thuộc Không quân Nga và chiếm gần một nửa số trực thăng của Nga bị mất ở Ukraine, theo Bộ Quốc phòng Anh.

Được công ty trực thăng Kamov thiết kế, “Cá sấu” Ka-52 (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là Hokum-B) là phiên bản cải tiến của trực thăng tấn công Ka-50 Black Shark (cá mập đen) được giới thiệu vào năm 1995.

Ka-52 được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga vào năm 2011. Ka-52 có trần bay 5,5 km, tốc độ tối đa 300 km/giờ. Ngoài thiết kế cánh quạt đồng trục với hai bộ cánh quay ngược chiều nhau và không có cánh quạt đuôi, Ka-52 còn có ghế phóng ghế thoát hiểm cho phi công. Đây đều là những tính năng hiếm có đối với máy bay trực thăng.

Ka-52 có khả năng mang tải trọng vũ khí 18.000 kg gồm rocket và tên lửa. Ka-52 còn được trang bị một khẩu pháo tự động 30 mm gắn ở bên phải thân máy bay. Một số biến thể của Ka-52 còn có thêm camera hồng ngoại ở mũi.

Là một trong những trực thăng mới nhất của Nga, Ka-52 đã có một số biến thể.

Trực thăng Ka-52 phóng tên lửa trong cuộc tập trận Zapad 2017 ở Belarus tháng 9-2017. Ảnh: REUTERS

Trực thăng Ka-52 phóng tên lửa trong cuộc tập trận Zapad 2017 ở Belarus tháng 9-2017. Ảnh: REUTERS

Ka-52K, phiên bản được thiết kế cho các hoạt động hải quân dự tính sẽ được trang bị trên hai tàu đổ bộ lớp Mistral do Pháp chế tạo mà Nga mua. Tuy nhiên, thỏa thuận đã bị hủy sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Sau đó, Ai Cập đã mua lại cả hai tàu trên từ Pháp và mua cả trực thăng Ka-52K từ Nga.

Phiên bản gần đây nhất của Ka-52 là Ka-52M, cất cánh lần đầu vào tháng 8-2020. Theo truyền thông Nga, Ka-52M có nhiều cải tiến, bao gồm hệ thống quang điện tử nâng cấp với phạm vi phát hiện và nhận dạng mục tiêu tăng lên và ổ đĩa kỹ thuật số mới.

Vũ khí của Ka-52 cũng tiếp tục được nâng cấp, với các video chiến trường cho thấy nó bắn một tên lửa chống tăng mới tại Ukraine trong mùa hè này.

Hiệu quả của Ka-52 trên chiến trường

Trực thăng “Cá sấu” Ka-52 đóng vai trò quan trọng kể từ khi Nga phát động tấn công Ukraine hồi tháng 2.

Trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, những chiếc trực thăng Ka-52 được nhìn thấy hỗ trợ lực lượng không vận Nga tại sân bay Hostomel và hộ tống các đoàn xe của Nga. Những trực thăng này đặc biệt hữu dụng cho các nhiệm vụ giải cứu phía sau phòng tuyến của Ukraine trong hai tháng đầu của cuộc chiến, đôi khi còn bay sâu tới 50 km vào lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga. Ảnh: The EurAsian Times

Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga. Ảnh: The EurAsian Times

Nga thường xuyên công bố các cảnh quay về hoạt động của Ka-52, bao gồm cảnh quay với các trực thăng tấn công như Mi-28 hay Mi-24/35.

Theo báo cáo gần đây của Viện dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), trực thăng Ka-52 được sử dụng nhiều hơn các mẫu trực thăng khác, cả ban ngày và đặc biệt là ban đêm trên tất cả mặt trận ở Ukraine.

Tuy nhiên, tần suất hoạt động dày đặc cũng dẫn đến tỉ lệ tiêu hao cao.

Anh nói rằng Nga đã mất 23 chiếc Ka-52, trong khi trang web phân tích tình báo quốc phòng nguồn mở Oryx đã thống kê có 25 chiếc Ka-52 bị bắn hạ tính đến giữa tháng 11. Cũng theo thống kê của Oryx, Nga mất tám chiếc trực thăng Mi-24/35 và sáu chiếc Mi-28.

Bộ Quốc phòng Anh đánh giá con số tổn thất đó chiếm hơn ¼ số trực thăng Ka-52 thuộc biên chế Không quân Nga trước khi nổ ra xung đột. Báo cáo Cân bằng quân sự năm 2021 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế được soạn thảo trước xung đột cho biết Nga có tổng cộng 133 trực thăng Ka-52.

Bộ Quốc phòng Anh cho rằng các hệ thống phòng không vác vai như tên lửa Stinger do Mỹ chế tạo rất có thể là lý do dẫn đến những tổn thất trên.

Việc Nga không có khả năng áp chế và phá hủy các hệ thống phòng không của Ukraine đã khiến máy bay Nga khó phối hợp với trực thăng để tiến hành các hoạt động phối hợp vũ trang hiệu quả - một phần vì nhiều máy bay của Nga đã bị bắn hạ.

Việc trực thăng “Cá sấu” Ka-52 bị nhiều tổn thất cũng bắt nguồn từ một số nhược điểm, chẳng hạn như mức độ bọc giáp ở buồng lái giảm đi, bộ giảm rung kém.

Một chiếc trực thăng Ka-52 của Nga bị bắn hạ tại Ukraine hồi đầu cuộc chiến. Ảnh: FORBES

Một chiếc trực thăng Ka-52 của Nga bị bắn hạ tại Ukraine hồi đầu cuộc chiến. Ảnh: FORBES

Mức độ bọc giáp giảm đi đồng nghĩa Ka-52 đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tên lửa vác vai và hỏa lực từ vũ khí nhẹ. Bộ giảm rung kém khiến trực thăng khó phát hiện mục tiêu và ảnh hưởng độ chính xác của vũ khí của Ka-52. Điều này buộc Ka-52 phải đến gần mục tiêu hơn, làm tăng nguy cơ bị tổn thương.

Ka-52 còn sử dụng tên lửa dẫn đường chống tăng, điều này đòi hỏi trực thăng phải gần như đứng yên để tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu. Điều này cũng làm tăng nguy cơ đưa Ka-52 vào tình thế nguy hiểm.

Trước tình hình Ukraine sử dụng thành công tên lửa vác vai và nhiều hệ thống phòng không khác, các trực thăng của Nga đã thay đổi chiến thuật để ứng phó. Tuy nhiên, lực lượng Nga vẫn cần yểm trợ hỏa lực mặt đất (close air support).

Trang Business Insider nhận định với các hệ thống phòng không mới hơn, hiện đại hơn đang đến Ukraine thì những tổn thất trên với Nga có thể sẽ còn tăng lên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm