Không thèm bán xăng A95!

Ngày 2-10, chúng tôi vào cửa hàng xăng dầu 194 của Công ty Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Tây Nam trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) hỏi mua xăng A95. Các nhân viên đều lắc đầu bảo không bán. Hỏi thêm về lý do tại sao không bán thì nhân viên không trả lời và khuyên nên đổ xăng A92 vì hai loại này… như nhau.

"Kiếm xăng A95 khó quá"

Một tháng trở lại đây, tình trạng cây xăng thông báo xăng A95 hết hàng hoặc viện cớ nhân viên ít và khuyên người dân chuyển sang mua xăng A92 khá phổ biến. Thậm chí nhiều cây xăng bỏ hẳn trụ bơm xăng A95. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc.

Chị Quỳnh Hoa ở quận Thủ Đức phản ánh, ba tuần gần đây việc mua xăng A95 của chị trở nên khó khăn hơn. “Cách đây ba bữa (1-10), tôi đến cửa hàng xăng dầu số 195 trên đường Nguyễn Văn Trỗi để đổ xăng A95 thì cây xăng này không bán. Còn trước đó cỡ hai tuần, khó khăn lắm tôi mới tìm được một cây xăng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh có bán xăng A95. Dù cây xăng này có đến sáu trụ bơm nhưng chủ yếu dùng để bán A92, chỉ có một trụ bơm bán A95 nên tôi phải mất thời gian đợi mới mua được. Việc mua xăng A95 lúc trước rất dễ dàng nhưng không hiểu sao gần một tháng nay tôi thấy rất khó khăn” - chị kể. Vì lý do này, chị Hoa bất đắc dĩ phải chuyển sang dùng xăng A92 cho chiếc xe máy tay ga của mình.

Không thèm bán xăng A95! ảnh 1

Một cây xăng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.HCM ngưng bán xăng A95. Ảnh: HTD

Cùng cảnh ngộ, chị Thu Minh, nhà ở quận 2, cho biết cách đây gần một tuần, chị đến cây xăng trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) thì thấy treo biển “Hết xăng A95”. Khi chị trở lại vào ngày 2-10 thì họ đã tạm nghỉ bán tất cả mặt hàng nhưng không có thông báo rõ ràng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Quang Huy, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 195 (Công ty Tây Nam), cho biết cửa hàng đã tạm ngưng bán xăng A95 được hơn một năm. “Trước đây chúng tôi là đại lý của Công ty Xăng dầu Quân đội Khu vực 4 và bán xăng A95 bình thường. Sau đó chúng tôi chuyển sang làm đại lý của Công ty TNHH MTV Hóa dầu Quân đội (Mipec). Do Mipec không nhập nên chúng tôi không kinh doanh xăng A95 nữa. Hiện cửa hàng chỉ kinh doanh xăng A92 và dầu DO” - ông nói.

Cũng theo ông Huy, không có khách hàng nào phàn nàn về việc tạm ngưng bán xăng A95. Về nguyên nhân nhiều cây xăng cùng hết hàng A95, ông cho rằng có thể do xăng A95 hao hụt lớn, trong khi mức hoa hồng các DN đầu mối chiết khấu thấp nên nhiều đại lý không mặn mà bán nữa.

Hao hụt lớn nên ngại nhập?

Khi chúng tôi trao đổi, một đại diện của Mipec đã phản ứng lại lý do Mipec không nhập xăng A95 nên đại lý mới ngưng bán mặt hàng này. “Chúng tôi là đầu mối cung cấp hàng cho đại lý. Đại lý đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM sẽ bán mặt hàng gì. Nếu đăng ký bán A95, họ phải nhập A95. Việc đăng ký thì Mipec không can thiệp nhưng vẫn có đủ A95 và A92 để cung cấp cho khách hàng” - ông cho biết.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận sức tiêu thụ xăng A95 ở các đại lý hiện rất chậm, hàng tồn nhiều. “Giá xăng A95 nhập khá cao nên một số đầu mối đang bị đứt nguồn tạm thời. Có đầu mối nhập đến mấy ngàn mét khối A95 về nhưng mấy tháng sau chưa bán hết. A95 là loại xăng khá nhẹ, để lâu khả năng bay hơi cao, hao hụt nhiều nên một số cửa hàng hạn chế nhập. Từ đây dẫn đến tình trạng thị trường khan hiếm A95” - vị này nói thêm.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cũng nhận định mức tiêu thụ xăng A95 trên thực tế đang giảm đáng kể. “Việc giảm số lượng trụ bơm A95 có thể xuất phát từ nhu cầu của người dân muốn chọn loại xăng phù hợp hơn theo tình hình thị trường. Khi sức tiêu thụ thấp, DN giảm lượng hàng là điều dễ hiểu. Ví dụ, nếu sản lượng xăng A95 bán ra thấp thì người bán phải cơ cấu lại chứ không thể đầu tư nhiều vào mặt hàng ít người mua. Ngược lại, nếu khu vực nào tiêu thụ A95 lớn thì DN sẽ đầu tư nhiều trụ bơm. Điều quan trọng chính là sức tiêu thụ” - ông nói.

“Tuy nhiên, Petrolimex xác định vẫn có thị trường cho A95. Dù sức tiêu thụ có thể giảm nhưng chúng tôi không bị phụ thuộc và vẫn nhập theo đúng kế hoạch” - ông Năm khẳng định.

Sản lượng xăng A95 chỉ bằng 1/4 so với A92

Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý nhà máy Dung Quất, cho biết hiện sản lượng xăng A95 cung ứng ra thị trường khoảng 60.000 m3/tháng, trong khi đó sản lượng xăng A92 lên tới 250.000 m3/tháng.

“Công suất của nhà máy Dung Quất đối với mặt hàng xăng A95 có thể lên đến 150.000 m3, gần gấp ba hiện nay. Tuy nhiên, do thị trường chỉ tiêu thụ ở mức trên nên nhà máy chưa dám nâng công suất” - ông Giang nói.

SH, Dylan, Piagio… nên dùng A95

A95 là loại xăng cao cấp, chống kích nổ, giúp động cơ hoạt động trơn tru. Các loại xe tay ga cao cấp như SH, Dylan, @, Air Blade hay Piagio, do có tỉ lệ nén cao (trên 10:1) thì dùng A95 thích hợp hơn. Riêng hãng Piagio, trong các tài liệu về thông số kỹ thuật, vẫn thường xuyên khuyên khách hàng chọn xăng A95 để máy ít nóng, vận hành mạnh và êm.

Còn các loại xe máy thông dụng như Dream, Jupiter, Nouvo, Wave…, do có tỉ số nén thấp hơn (7:1 đến 10:1) nên có thể dùng xăng A92 để bảo đảm tính kinh tế.

Sở Công Thương vào cuộc ngay

Chiều 2-10, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đề nghị báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp tên, địa chỉ các cây xăng tạm ngưng hoặc không bán xăng A95. Ông Hiệp cho biết sẽ cử đội quản lý thị trường kiểm tra ngay tình trạng này và có ý kiến chính thức. Theo ông, việc DN tạm ngưng bán một mặt hàng về nguyên tắc phải có báo cáo lên Sở, giải thích lý do vì sao không bán.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm