Công ty Dịch vụ công ích quận 1 ngày 14-2 đã làm việc với UBND quận 1 về đề án tổ chức chợ phiên tại Công viên cảng Bạch Đằng, phường Bến Nghé, quận 1. Theo đó, không gian dọc theo bờ sông Sài Gòn khoảng 100 m từ nhà điều hành bến tàu cánh ngầm đến khu vực nhà tròn sẽ được dùng để tổ chức chợ phiên vào dịp cuối tuần.
“Dù là chợ phiên nhưng nơi đây sẽ là một không gian sinh hoạt chung chứ không phải trở thành một không gian buôn bán đơn thuần” - ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (ảnh), nhấn mạnh.
. Phóng viên: Tại sao quận 1 lại chọn Công viên cảng Bạch Đằng làm nơi tổ chức chợ phiên?
+ Ông Lưu Trung Hòa: Theo quy hoạch, Công viên cảng Bạch Đằng nằm trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha. Từ cầu Khánh Hội đi xuống tới Hàm Nghi sẽ đụng hầm chui đi ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng. Phía trên mặt hầm sẽ dành cho người đi bộ, đi qua tượng Trần Hưng Đạo rồi vào phố đi bộ. Như vậy, cả khu vực từ bến cảng Bạch Đằng đến phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là khu vực đi bộ. Phần âm dưới công viên sẽ là bãi đậu xe ngầm của TP. Đây là những dự án lớn mà TP đang tập trung thực hiện.
Trong thời gian chờ triển khai các dự án trên, UBND TP giao quận 1 đề xuất phương án tổ chức các hoạt động giải trí tại khu vực này nhằm thu hút du khách cũng như phục vụ cho người dân TP. Việc tổ chức chợ phiên tại Công viên cảng Bạch Đằng là ý tưởng của Công ty Dịch vụ công ích quận 1. Hiện đơn vị này đã trình đề án để quận cùng các đơn vị liên quan góp ý, sau đó sẽ trình TP xem xét thông qua.
. Chợ phiên sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?
+ Khu vực tổ chức chợ phiên sẽ bắt đầu từ nhà điều hành bến tàu cánh ngầm hiện tại đến khu vực nhà tròn, khoảng 100 m với quy mô 3.000 m2, trong đó gồm không gian chợ phiên, chỗ để xe và nhà điều hành.
Tới đây, khu vực bến Bạch Đằng sẽ tổ chức chợ phiên phục vụ cho đời sống tinh thần của du khách và người dân TP.Trong ảnh: Bến Bạch Đằng hiện nay nhìn từ tòa nhà Bitexco. Ảnh: HTD
Về việc tổ chức chợ phiên, UBND TP cũng chỉ đạo tuy định hướng là chợ phiên nhưng nội dung chính vẫn là không gian sinh hoạt phục vụ khách du lịch và người dân TP. Đây sẽ là một điểm đến, một nơi quảng bá các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chứ không phải chỉ để buôn bán đơn thuần. Do đó, các đơn vị tham gia chủ yếu là trưng bày, giới thiệu sản phẩm chứ không đặt nặng về doanh thu.
Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa để tạo ra một sân chơi chung cho mọi người. Ví dụ, các bạn sinh viên có thể trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại đây…
Chợ phiên cũng sẽ là nơi tập trung đa dạng các loại hàng hóa, có thể luân phiên thay đổi các nhãn hàng để tạo sự sinh động và bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào cũng có thể đăng ký tham gia chứ không cố định một sản phẩm. Quận 1 đang làm việc với Sở Du lịch để chọn những DN đủ điều kiện phục vụ khách du lịch, đồng thời làm việc với Hiệp hội DN để chọn ra những nhãn hàng thích hợp để mời gọi DN cùng tham gia.
. Dự kiến khi nào chợ phiên sẽ đi vào hoạt động? Nếu sau này TP triển khai các dự án lớn đã nêu thì chợ phiên có còn tồn tại?
+ Khoảng cuối tháng 2 chúng tôi sẽ trình TP đề án tổ chức chợ phiên, nếu TP thông qua sớm thì có thể thực hiện ngay trong tháng 3. Sau này, nếu việc tổ chức chợ phiên ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án thì sẽ tính dời hoặc tháo dỡ.
Cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách, đường âm nhạc thì chợ phiên sẽ là một điểm vui chơi, giải trí, là điểm sinh hoạt chung phục vụ cho đời sống tinh thần của du khách và người dân TP.
. Xin cám ơn ông.
Không làm mất cảnh quan công viên Cảng Bạch Đằng trước đây từng là bãi giữ xe và một đầu của bến phà Thủ Thiêm nối quận 1 và quận 2, nhà điều hành của các DN hoạt động tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu và bến của loại tàu này. Hiện nay khu vực này đã được cải tạo là công viên phục vụ sinh hoạt của người dân. “Cảnh quan xung quanh cũng rất đẹp và mát mẻ nên nếu tổ chức chợ phiên cũng lưu ý để không làm che đi những cảnh quan này” - ông Hòa nói. |