Hãng tin Want China Times dẫn lại nhận định của ông Kashin, hiệp định Minsk 2.0 được chính quyền Kiev ký kết trên nghị trường khi đang phải chịu quá nhiều áp lực trên chiến trường. Các quân đoàn chính quy và cả tình nguyện của Kiev đã liên tiếp bị lực lượng đòi ly khai miền Đông đánh bại. Đây là cái cớ “hợp lý” để Mỹ quyết định tăng cường hỗ trợ cho quân đội Ukraine hòng cân bằng lực lượng.
Trước đó, vào tháng 11-2014, Washington cũng từng cam kết sẽ chi ra 118 triệu USD tiền hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đồng thời, Mỹ sẵn sàng chi thêm 320 triệu USD phục vụ cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ kinh tế. Và trên hết, Mỹ còn “hào phóng” tuyên bố sẽ cho chính quyền Kiev vay 1 tỷ USD để khôi phục nền kinh tế. Đến nay, vẫn chưa rõ thật ra Kiev đã nhận được bao nhiêu từ Washington.
Cuộc gặp gỡ giữa đoàn Trung Quốc (phải) do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dẫn đầu, và đoàn Ukraine (trái) do Tổng thống Ukraine Poroshenko dẫn đầu tại Diễn đàn Kinh tế Davos 2015 (Nguồn: Want China Times)
Với cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, cùng với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông, nhiều chuyên gia lo ngại sự quan tâm của Mỹ một lần nữa sẽ rời khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo ông Kashin, chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington sẽ bị đặt dấu hỏi nếu như chính quyền Obama quyết định leo thang căng thẳng tại châu Âu.
Tho ông Kashin, chắc chắn Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội chiến lược lần thứ hai này, được “cho không” bởi nước Nga và Nhà nước Hồi giáo, để tiến hành cải cách chính trị và giải quyết tối đa các vấn đề còn tồn đọng trong nước.
Ông Kashin cũng đánh giá, bối cảnh quốc tế này sẽ chỉ kéo dài dưới 10 năm. Trong thời gian này, khi “gọng kiềm” của Hoa Kỳ tại khu vực bị nới lỏng, Trung Quốc sẽ tiếp tục bành trướng quân sự và tái thiết lập vai trò của mình trong khu vực và quốc tế.