Kiểm soát chặt thịt từ tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ

(PLO)- TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giám sát động vật và sản phẩm động vật đưa vào TP, ngăn chặn giết mổ lậu, kiểm tra chất lượng thịt tươi tại các cơ sở giết mổ tập trung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, các cơ quan thú y và trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn TP.HCM phát hiện nhiều vụ vận chuyển và giết mổ động vật vi phạm.

Phạt nhiều vụ vận chuyển và giết mổ vi phạm

Mới đây, Trạm chăn nuôi và thú y TP Thủ Đức phối hợp với các ngành chức năng địa phương kiểm tra và phát hiện xe tải vận chuyển 400 con mèo sống (khoảng 1.000 kg) từ Đồng Tháp vào TP.HCM.

Mặc dù lô hàng nói trên có giấy chứng nhận kinh doanh động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp nhưng đã bị tẩy xóa, sửa chữa. Đáng chú ý chủ lô hàng đã tự ý mở niêm phong xe. Ngoài nộp phạt vi phạm hành chính 10,5 triệu đồng, chủ lô hàng còn tự nguyện tiêu hủy số mèo trên.

Cách đây không lâu, kiểm tra xe tải đông lạnh vận chuyển 630 kg đầu dê từ Đồng Nai vào TP.HCM, Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (TP Thủ Đức) ghi nhận toàn bộ lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật. Chủ lô hàng tự nguyện tiêu hủy 630 kg đầu dê và đóng phạt 7 triệu đồng.

Tương tự, Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp cũng đã kiểm tra xe tải đông lạnh chở 320 kg đầu, lòng heo từ một công ty ở TP.HCM về chợ Linh Xuân (TP Thủ Đức).

Cơ quan thú y TP.HCM phát hiện heo nhập lậu đang chờ giết mổ. Ảnh: THÚ Y TP.HCM

Cơ quan thú y TP.HCM phát hiện heo nhập lậu đang chờ giết mổ. Ảnh: THÚ Y TP.HCM

Toàn bộ lô hàng mặc dù có hóa đơn giá trị gia tăng nhưng phương tiện vận chuyển không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Do vậy, đoàn kiểm tra phạt chủ lô hàng 1,5 triệu đồng.

Tiếp theo, lực lượng thú y phối hợp với cơ quan chức năng địa phương bất ngờ kiểm tra điểm giết mổ heo lậu tại địa chỉ 457/33 Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Đoàn kiểm tra phát hiện bốn con heo sống không có giấy chứng nhận kiểm dịch được nhốt trong chuồng chờ giết mổ. Chủ hàng khai số heo được mua từ tỉnh Bình Dương mang về địa chỉ nói trên để giết thịt.

Sau khi test nhanh chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và xét nghiệm virus dịch tả heo châu Phi cho kết quả âm tính, đoàn kiểm tra đưa bốn con heo đến cơ sở giết mổ tập trung để giết thịt.

Giám sát chất lượng thịt tươi tại điểm giết mổ

Ông Trần Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp, cho biết các cơ quan chức năng của phường đang giám sát chặt hoạt động giết mổ heo lậu trên địa bàn, nhất là điểm giết mổ tại đường Tân Sơn nói trên.

Theo ông Phương, trước đây phường còn tồn tại một số điểm giết mổ heo lậu trên địa bàn. Sau khi được vận động, nhiều điểm ngưng hẳn hoạt động này. Tuy nhiên, vẫn còn điểm lén lút giết mổ heo lậu.

Theo ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, ngoài kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ tỉnh đưa vào tiêu thụ ở TP và các điểm giết mổ heo lậu, chi cục còn giám sát thịt tươi tại các cơ sở giết mổ để đánh giá chất lượng.

Năm 2020, chi cục kiểm tra vi sinh 330 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung. Kết quả 240 mẫu đạt, tỉ lệ gần 73%. Qua năm 2021, ghi nhận 250/330 mẫu đạt, tỉ lệ gần 76%. Đến năm 2022, kết quả kiểm tra vi sinh cho thấy 116/140 mẫu đạt, tỉ lệ gần 83%.

“Con số trên cho thấy chất lượng thịt tươi gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn TP mỗi năm mỗi tăng” - ông Bảo nhận xét.

Theo ông Bảo, để các hoạt động giám sát động vật, sản phẩm động vật đưa vào TP, giết mổ lậu, chất lượng thịt tươi tại cơ sở giết mổ trên địa bàn đạt hiệu quả tốt, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và thống nhất giữa các cấp, ban ngành, chính quyền địa phương.

“Cần có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa các vùng địa phương, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt là sự hợp tác, đầu tư của chủ cơ sở giết mổ và người kinh doanh, từng bước thay đổi thói quen dùng thịt nóng của người tiêu dùng, xây dựng chuỗi cung ứng thịt an toàn…” - ông Bảo cho biết thêm.

TP.HCM mỗi năm tiêu thụ khoảng 615.000 tấn thịt tươi các loại

TP.HCM mỗi năm tiêu thụ khoảng 615.000 tấn thịt tươi các loại. Tuy nhiên, TP chỉ đáp ứng khoảng 15%, phần còn lại được nhập từ các tỉnh (khoảng 8.500 con trâu bò, 2 triệu con heo và 22 triệu con gia cầm).

Do vậy, công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm soát giết mổ luôn được quan tâm để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Từ nay đến cuối năm 2022, cơ quan thú y TP.HCM tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ tập trung và phương tiện vận chuyển. Bên cạnh đó, giám sát tình trạng giết mổ động vật trái phép trên địa bàn.

Ông LÊ VIỆT BẢO, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm