Kiến nghị tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam

(PLO)- “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” Hội thảo được tổ chức tại TP.HCM đã mổ xẻ nhiều vấn đề và đưa ra những giải pháp, kiến nghị giúp Việt Nam xanh, sạch hơn. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” tại TP.HCM.

Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin

Mở màn cho hội thảo, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Thuốc lá rất có hại cho sức khoẻ, theo thống kê của WHO, một năm trên toàn thế giới có 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Chi phí khám chữa bệnh gần như gấp đôi so với nguồn thu từ thuốc lá, chưa kể những ảnh hưởng của thuốc lá đối với người dân Việt Nam.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TN

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TN

“Xu thế sử dụng thuốc lá tại Việt Nam càng ngày càng tăng, đặc biệt là giới trẻ. Theo thống kê thì Việt Nam là một trong những 15 nước sử dụng thuốc lá nhiều trên thế giới. Theo đó nó sẽ có những hệ luỵ đi theo đến xã hội rất nhiều”- ông Hải nhấn mạnh.

Theo TS Angela Pratt, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần, và tôi muốn nhân cơ hội này chúc mừng chính phủ và các đối tác vì sự cam kết cũng như những tiến bộ đã đạt được tính đến thời điểm hiện nay.

“Tuy nhiên chúng ta cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình Sức Khỏe Việt Nam”- TS Angela Pratt nói.

Cũng theo vị TS này, một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.

“Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Chúng ta cần thay đổi điều này, và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này”- vị TS nhấn mạnh.

Kiến nghị tăng thuế thuốc lá

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế phân tích: Theo thống kê, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Và WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế chỉ ra 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ảnh: TN

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế chỉ ra 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ảnh: TN

Bà Hương chỉ ra 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

“Theo nghiên cứu của bệnh viện K (Hà Nội), tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao”- bà Hương nhấn mạnh.

Cũng trong bài phát biểu, bà Hương cho biết dù Việt Nam đã tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc là và đã có những kết quả đáng ghi nhận khi tỉ lệ hút thuốc đã giảm, tuy nhiên bà chỉ ra rằng thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), hiện nay, thuế TTĐB đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 39%.

Việt Nam là nước có mức thuế TTĐB đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển. Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá cần phải ở mức 60% đến 80% giá bán lẻ thuốc lá.

Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Theo tính toán của WHO thì giá trung bình của một bao thuốc lá hai mươi điếu có xu hướng giảm (12.101 đồng Việt Nam/bao năm 2015 và 11.848 đồng Việt Nam/bao năm 2020 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Từ những dữ liệu ở trên, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá kiến nghị một số chính sách về thuế thuốc lá.

Ths Đào Thế Sơn, Trường Đại học Thương Mại cũng kiến nghị nhiều giải pháp tại hội thảo. Ảnh: TN

Ths Đào Thế Sơn, Trường Đại học Thương Mại cũng kiến nghị nhiều giải pháp tại hội thảo. Ảnh: TN

Theo bà Hương, cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, bảo đảm đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; Xây dựng phương án sử dụng cơ cấu thuế hỗn hợp;

“Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để tiến tới áp dụng thuế trên giá bán lẻ trong việc điều tiết giảm tiêu dùng thuốc lá”- bà Hương nói.

Cũng tại buổi hội thảo, bà Hương cùng các chuyên gia đến từ nhiều ngành khác nhau cùng mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan. Đơn cử như vấn đề pháp lý đối với thuốc lá điện tử, những nguy hại và thực trạng đối với loại thuốc lá này tại Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp hữu ích nhằm hạn chế tình trạng sử dụng các loại thuốc lá tại Việt Nam để Việt Nam trở nên xanh, sạch hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm