Chiều tối 13-1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức họp mặt với hơn 900 kiều bào mừng xuân Canh Tý 2020.
TP luôn mong sự chung tay góp sức của kiều bào
Tại buổi họp mặt, các kiều bào đề nghị TP.HCM cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp kiều bào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đầu tư trên địa bàn TP. Trong đó, kiều bào đề nghị tăng cường đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng mong muốn TP cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kiều bào.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin với kiều bào về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019 với sự tăng trưởng ổn định. Theo ông Phong, việc triển khai thực hiện chủ đề năm về đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, sự hài lòng của người dân được nâng cao, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được tăng lên... “Trong thành quả ấy có sự đóng góp rất quan trọng của kiều bào trên nhiều lĩnh vực khác nhau” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chính là cầu nối hữu hiệu cho việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên thế giới. “TP luôn ghi nhận và đánh giá cao những tình cảm, sự nỗ lực của kiều bào. Dù ở đâu và làm gì, trong trái tim của mỗi kiều bào đều dành những tình cảm tốt đẹp và chân thành cho quê hương, luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và TP” - ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng nêu ra các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện chủ đề năm nay là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
“Việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng để TP bứt phá, phát triển nhanh và bền vững hơn. Do đó, TP rất mong sự tham gia chung tay góp sức của bà con kiều bào cùng chính quyền TP thực hiện các mục tiêu này” - ông Phong nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với kiều bào tại buổi gặp gỡ nhân dịp năm mới. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hiến kế cho sự phát triển của TP
Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo TP đã có buổi gặp gỡ, trao đổi, tiếp thu các ý kiến của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Tham dự buổi gặp có 12 kiều bào tiêu biểu, là những chuyên gia trí thức, doanh nhân hiện đang sinh sống ở Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Úc, Singapore, Hàn Quốc...
GS-TS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật Bản, hiện là cố vấn ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng để hạn chế ô tô lưu thông trong nội đô thì TP cần học hỏi kinh nghiệm của người Nhật Bản. GS-TS Đặng Lương Mô dẫn chứng từ những năm 1970, ở TP Tokyo, số lượng ô tô tăng lên đột biến khiến cho Tokyo bị ùn tắc không thua gì TP.HCM hiện nay. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, họ đã chống được ùn tắc và giao thông trở nên thông thoáng.
Một trong những giải pháp mà người Nhật Bản đưa ra là họ quy định bắt buộc mọi chủ sở hữu ô tô phải có bãi đậu xe, tức là muốn mua ô tô phải có giấy chứng nhận có bãi đậu xe. Giấy chứng nhận này do cảnh sát địa phương cấp sau khi kiểm tra diện tích nhà, sân, vườn hoặc hầm để xe. Các công ty bán ô tô sẽ không bán xe cho những người không có giấy chứng nhận này.
“Nếu nhà người mua xe không có không gian đủ rộng để làm bãi đậu xe thì phải thuê bãi đậu xe của tư nhân. Hợp đồng thuê bãi đậu xe và tình trạng bãi đậu có hội đủ điều kiện hay không đều do cảnh sát địa phương đến xác minh và chứng thực” - GS Mô nói và cho rằng chỉ có cách bắt buộc mọi chủ sở hữu ô tô phải có bãi đậu xe mới có thể làm cho họ hiểu rõ trách nhiệm của mình, chứ không phải anh muốn đậu ở đâu thì đậu.
Ngoài ra, cảnh sát cần nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. “Ở Tokyo bạn thử đậu ô tô không đúng nơi quy định mà xem, chỉ trong vài phút là có xe cẩu đến rinh xe của bạn đưa về bãi đậu xe của sở cảnh sát thuê ở khắp nơi trong TP. Nếu bạn muốn nhận lại ô tô thì phải trả tiền phạt, tiền cẩu xe, tiền bãi đậu..., tổng cộng không dưới 500 USD” - GS Mô nói và cho biết ngoài phạt tiền thì trong lý lịch tư pháp của chủ xe còn có ghi chú đã có tiền sử vi phạm.
Cũng quan tâm đến kẹt xe tại TP.HCM, kiến trúc sư Phan Tấn Lộc (kiều bào Pháp) cho rằng mạng lưới giao thông ở TP.HCM hiện tổ chức chưa hợp lý, có nhiều tuyến đường rất dài nhưng lại thiếu các đường nhánh, mà phần lớn là các hẻm nhỏ. Cụ thể như khu vực phường 1 (quận 3) được bao bọc bởi các tuyến đường Lý Thái Tổ - Điện Biên Phủ - Nguyễn Thiện Thuật - Nguyễn Đình Chiểu… có rất nhiều hẻm nhỏ không được cải tạo, mở thành các tuyến đường theo ô bàn cờ; hoặc khu vực quanh vòng xoay ngã sáu Quang Trung (ngã năm Chuồng Chó cũ) cũng gặp trường hợp tương tự.
Vì vậy, để giải quyết kẹt xe, ông Lộc cho rằng phải đầu tư mở rộng những con hẻm nối thông nhau thành những tuyến đường đúng nghĩa. “Giải pháp này có nhiều ưu điểm, nó vừa giúp chỉnh trang đô thị với ngân sách thấp vừa mở ra được các đường nhánh nối thông với hệ thống đường trục chính. Như thế vừa giải quyết ùn tắc giao thông vừa tạo an toàn phòng cháy chữa cháy!” - ông Lộc nói.
Đóng góp của kiều bào cho TP.HCM • 5,6 tỉ USD kiều hối chuyển về TP.HCM tính đến cuối năm 2019 (chiếm 30% so với cả nước là 16,7 tỉ USD). • 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; • 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, các bệnh viện tại TP.HCM. • 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 45.000 tỉ đồng. • 30.000 người Việt ở nước ngoài về thăm quê mỗi năm, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại TP.HCM. |
Nghiên cứu ngay các góp ý của kiều bào
Chia sẻ với kiều bào, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng bà con kiều bào dù đi đâu cũng nhớ về cội nguồn, luôn muốn làm gì đó để xây dựng quê hương, đất nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ sự trân trọng tấm lòng kiều bào, tuy có quê hương thứ hai nhưng luôn luôn nhớ về quê hương thứ nhất - Việt Nam. “Nhiều kiều bào lớn tuổi, đáng lẽ về quê nghỉ ngơi song vẫn cống hiến cho xã hội, cho TP.HCM. TP luôn trân trọng kiều bào và con em trở về quê hương” - ông Nhân nói và cho hay: “Hết sức trân trọng những ý kiến đóng góp ngày hôm nay của kiều bào”. Bí thư Thành ủy cho rằng các nội dung kiều bào góp ý, chia sẻ đều đúng vấn đề TP.HCM đang quan tâm. Ông mong kiều bào tiếp tục đóng góp ý kiến cho sự phát triển của TP.HCM.
Ngay tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp, nghiên cứu để triển khai thực hiện ngay các đề xuất mà bà con kiều bào vừa đưa ra.
Bà con kiều bào: Cầu nối TP với thế giới Về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hình thành và phát triển thành phố thông minh, GS-TS Trần Hải Linh (Việt kiều Hàn Quốc, hiện là chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc - VKBIA) mong muốn VKBIA sẽ là cầu nối hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng theo nhu cầu phát triển của TP.HCM. VKBIA sẽ làm cầu nối hỗ trợ TP trong việc tiếp tục tăng cường phát triển giữa các tập đoàn tài chính, tổ chức tài chính lớn của Hàn Quốc với các tập đoàn, tổ chức tài chính của Việt Nam tại TP.HCM. Ông Tony Chung Nguyễn (Việt kiều Thụy Sĩ, hiện là phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sĩ) đề xuất làm cầu nối để kết nối giữa TP.HCM với Geneva trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và công nghệ. Cùng đó là xây dựng làng Geneva tại TP.HCM và làng Việt Nam tại Geneva; thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại TP.HCM - Geneva. Với đề xuất của GS-TS Trần Hải Linh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ông Linh trao đổi kỹ hơn với các sở, ngành liên quan về cơ chế hợp tác PPP trong xây dựng đô thị thông minh. Ông Nhân cũng hoan nghênh đề xuất của kiều bào về hợp tác giữa TP.HCM với Geneva. |