Kinh tế châu Á 2024: Động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu

(PLO)- Giới quan sát đánh giá rằng kinh tế châu Á sẽ là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 được dự đoán sẽ có nhiều thách thức với kinh tế thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2024 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cho thấy dù đối mặt với những thách thức lớn như lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và cạnh tranh địa chính trị gay gắt, kinh tế châu Á được dự báo sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.

IMF dự báo rằng tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2024 sẽ chững lại ở mức 4,2%, thấp hơn so với mức 4,6% của năm 2023, nhưng vẫn là mức cao và ổn định nhất so với các khu vực còn lại.

Châu Á sở hữu nhiều lợi thế

Theo Giám đốc bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của IMF - ông Krishna Srinivasan, bất chấp xu hướng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, châu Á sẽ là trọng điểm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 vì khu vực này sở hữu nhiều lợi thế để tập trung khôi phục và phát triển kinh tế.

Kinh tế châu Á 2024.png
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP Trùng Khánh (tây nam Trung Quốc). Ảnh: XINHUA

Giải thích cho nhận định của mình, ông Srinivasan nhắc đến nỗ lực của chính phủ các nước châu Á để giúp khu vực này có tốc độ phục hồi kinh tế tốt nhất sau đại dịch COVID-19.

Nhiều nước trong khu vực, như Ấn Độ, Trung Quốc (TQ), Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam,... đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024. Điều này có thể tạo động lực cho các nước trong khu vực cùng phát triển.

Bên cạnh đó, châu Á còn sở hữu nhiều nền kinh tế phát triển năng động gồm TQ, Nhật, Đài Loan, Singapore. Các nền kinh tế này có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế đa dạng, khả năng sản xuất và năng lực xuất khẩu mạnh mẽ, có thể thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất phát triển, ông Srinivasan đánh giá.

Vị quan chức IMF còn nhấn mạnh rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động thì châu Á có thể tận dụng nhiều nguồn lực như nguồn lao động dồi dào, chi phí sản xuất thấp và công nghệ sản xuất tiên tiến,... để phát triển kinh tế.

Trong khi đó, báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2024 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố hồi cuối tháng 11 đánh giá rằng Ấn Độ, TQ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là những trụ cột chính cho kinh tế châu Á 2024.

Cụ thể, OECD cho rằng TQ sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế châu Á 2024 nhờ quy mô nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ rộng và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.

Ấn Độ sẽ là một điểm sáng nữa trong khu vực nhờ dân số trẻ, đông, lực lượng lao động dồi dào, tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp sản xuất.

Trong khi đó, ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế châu Á 2024 nhờ sự kết nối kinh tế chặt chẽ với các nền kinh tế lớn trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đầu tư.

Những thách thức trước mắt

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng giống như phần còn lại của thế giới, kinh tế châu Á vào 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn do lạm phát. Cụ thể, lạm phát cao gây áp lực lên chi phí sản xuất, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đầu tư, duy trì hoạt động, cũng như làm giảm nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến suy giảm thị trường tiêu thụ.

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa các nước châu Á cũng là một thách thức lớn đối với kinh tế khu vực. Theo OECD, nhiều nước như Singapore, Ấn Độ đã nới lỏng lãi suất sau thời gian dài tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, các nước như TQ, Nhật lại áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì 2 nước này đang đối mặt giảm phát. Sự phân hóa này có thể dẫn đến bất ổn thị trường tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực.

Ngoài ra, các cuộc xung đột của thế giới trong năm qua, như chiến sự Nga-Ukraine và xung đột ở Gaza giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, thuộc Palestine), cũng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế châu Á.

2 cuộc xung đột trên không những có thể khiến giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao, gây áp lực lên chi phí sản xuất và nhập nguyên liệu của doanh nghiệp, mà còn khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất và xuất khẩu của khu vực.

IMF đề xuất biện pháp giúp châu Á phát triển kinh tế

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới 2024, IMF đề xuất 3 biện pháp mà các nước châu Á có thể áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo dựng nền kinh tế khu vực phát triển bền vững.

Thứ nhất, các nước đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở cửa thị trường, giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, các nước cần tuân thủ hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, ưu tiên giải quyết những tranh chấp thương mại thông qua đàm phán.

Thứ ba, các nước cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm