Kinh tế khó khăn nhưng đa số hộ gia đình có thu nhập bằng hoặc tốt hơn?

(PLO)- Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-5 cho thấy, kinh tế khó khăn nhưng đa số hộ gia đình có thu nhập bằng hoặc tốt hơn tháng trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-5 đưa ra những con số gây suy nghĩ về thu nhập hộ gia đình Việt Nam tháng 5-2023.

Theo đó, có tới 94,8% hộ gia đình cho biết thu nhập tính theo tháng không đổi hoặc tăng lên so với tháng trước, bất chấp những thực tế kinh tế khó khăn đang diễn ra. Chỉ có 5,2% số hộ gia đình đánh giá rằng họ có thu nhập giảm đi hoặc "không biết".

Trong số các hộ có thu nhập giảm nói trên, 40,7% cho biết nguyên nhân chính là các thành viên gia đình tạm nghỉ việc hoặc mất việc làm; 27,3% là do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình tăng; 19,8% là do giá bán các sản phẩm từ hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm.

Theo khảo sát, trong 5 tháng đầu năm 2023, 31,3% hộ được hỏi cho biết đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 6,3% cho hay chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người; 2,1% nói chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

Cũng khảo sát này, gần 10,3% hộ gia đình được phỏng vấn cho biết có nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ họ hàng, người thân là 6,7%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 3,5%; từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 3,1%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 1,7% và 0,02% từ các nguồn khác.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng dẫn báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu.

Thời tiết nắng nóng kéo dài là một trong những nguyên nhân làm tăng giá lương thực, thực phẩm. Ảnh: PLO
Thời tiết nắng nóng kéo dài là một trong những nguyên nhân làm tăng giá lương thực, thực phẩm. Ảnh: PLO

Tổng cục Thống kê hôm nay cũng cho hay, chỉ số giá tiêu dùng - lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,01% so với tháng trước, và 2,43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2 đã giảm mạnh 8,94% trong tháng 5 này.

Lạm phát cơ bản tháng 5-2023 tăng 0,27% so với tháng trước, và 4,54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước. Giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm