Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh bất kể ai là tổng thống

Theo khảo sát của Bloomberg đối với các nhà kinh tế Mỹ, kinh tế sẽ tăng trưởng 0,2% năm 2013 và 1,2% năm 2014.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi (công ty thẩm định tài chính Moody) dự báo trong hai năm 2012 và 2013, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng bình quân 2% mỗi năm và sẽ tăng 4% trong hai năm 2014 và 2015. Giám đốc Eric Green (công ty dịch vụ tài chính Penn Capital Management Co.) dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3%-4% sau hai năm nữa.

Báo cáo về lao động tháng 10 của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2-11 cho thấy số lao động mới được tuyển cao hơn Bloomberg dự báo (171.000 lao động mới thay vì 125.000 người như dự báo).

Tổ chức Conference Board chuyên nghiên cứu độ tin cậy của người tiêu dùng đối với nền kinh tế ghi nhận do thị trường việc làm được cải thiện, độ tin cậy của người dân với nền kinh tế trong tháng 10 đã tăng đến mức cao nhất trong bốn năm qua và nhờ đó đã thúc đẩy tiêu dùng. Bên cạnh đó, nợ của các hộ gia đình đã giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Nhà kinh tế trưởng Peter Hooper (chi nhánh ngân hàng Đức Deutsche tại Mỹ) nhận định một yếu tố góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng bùng nổ trong vài năm tới là người dân hạn chế tiêu dùng trong lúc suy thoái và giờ đây họ sẽ chi mạnh hơn. Khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy nhu cầu vay mua ô tô và mua nhà đã tăng trong quý III năm nay.

Thị trường nhà ở là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Số liệu của Bộ Thương mại cho thấy giá bán nhà xây mới trong tháng 9 tăng 5,7%, mức cao nhất trong hai năm qua và nhu cầu mua đã tăng 27% so với năm trước. Chỉ số giá bất động sản của công ty thẩm định tài chính S&P cho thấy giá nhà tháng 8 vừa rồi tăng cao nhất trong hai năm qua và sẽ tăng tiếp sau khi đã giảm hơn 30% từ năm 2006.

GS Ray Fair (ĐH Yale) nhận định thách thức lớn đối với kinh tế là tổng thống đắc cử sẽ hành động thế nào để giảm khoản thâm hụt ngân sách 1.100 tỉ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã cảnh báo suy thoái kinh tế sẽ tái diễn nếu giữ chính sách “vách đá tài khóa” (giảm chi tiêu công và tăng thuế) trị giá 600 tỉ USD vào năm 2013.

Giám đốc Eric Green ghi nhận khủng hoảng nợ khu vực đồng euro có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Nhưng theo ông Dennis Lockhart, Chủ tịch FED Atlanta, Mỹ đã có các đối trọng để chống chọi ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách “vách đá tài khóa” và khủng hoảng khu vực đồng euro là tăng thêm nhiều hoạt động kinh tế, gia tăng đầu tư và tăng tuyển nhân công.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm