Chiều 31-7, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện dịch COVID-19, với sự tham gia của các Sở NN&PTNT các tỉnh phía Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tháo gỡ khó khăn trước tình hình tiêu thụ khó khăn trong đợt dịch đang diễn biến phức tạp.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2021, sản xuất chăn nuôi tương đối ổn định với đàn bò tăng 2,4%, đàn heo tăng 10%, đàn gia cầm tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đàn bò 6,3 triệu con, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn heo 23 triệu con, đàn gia cầm 510 triệu con.
Tổng sản lượng các thịt ước đạt 3,69 triệu tấn, trong đó thịt heo 2,3 triệu tấn, thịt gia cầm 1,08 triệu tấn, thịt trâu bò 270.000 tấn, trứng 9,8 tỉ quả…
Bình quân, mỗi tháng sản lượng thịt các loại đạt 527.000 tấn, trong đó thịt heo 333.000 tấn, thịt gia cầm 155.000 tấn, trứng gia cầm 1,4 tỉ quả…
Tình hình tại 19 tỉnh, thành phía Nam trong thời gian qua, thịt heo 1,06 triệu tấn tăng 6%, thịt trâu bò 141.000 tấn tăng 7%, gia cầm 462.000 tấn tăng 8%, trứng đạt 5,2 tỉ quả tăng 5,5%.
Có thể thấy, sản lượng sản phẩm chăn nuôi được sản xuất và cung ứng cho thị trường cả nước và 19 tỉnh, thành phía Nam đang vẫn ổn định, dồi dào. Nhưng do công tác lưu thông, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gián đoạn khiến giá các mặt hàng gà công nghiệp, heo hơi giảm bán dưới giá thành sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh còn 1 triệu con gà, giá rớt thê thảm chỉ còn 7.000 đồng/kg gà trắng, giá một con gà thua kg rau. Có nhiều gà con đã thiêu bỏ do vận chuyển, dư thừa, ế ẩm….
Ông Xuân lo lắng về việc tái đàn của người dân khi giá gà không tăng. Sở đề nghị có văn bản giữa tỉnh với tỉnh và vùng an toàn dịch đi vào, đi vào vùng dịch. Các cơ sở giết mổ cần được tiêm vaccine, cơ sở giết mổ còn hoạt động cần nên quan tâm thường xuyên, hỗ trợ xét nghiệm và 5K.
Về phía doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng công ty vẫn đang mua giá theo hợp đồng với các trang trại gà công nghiệp liên kết giá 25.000 đồng/kg, còn ở các trang trại ngoài giá hiện nay 8.000 đồng/kg. Trong khi chi phí đều tăng từ xét nghiệm, vận chuyển… nên công ty San Hà đang bán lỗ để chạy chuồng, mỗi ngày lỗ trên 1 tỉ đồng/ngày.
Nhà máy giết mổ đóng cửa, vận chuyển khó khăn khiến giá gà công nghiệp chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 21.000 - 23.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cung cấp, hiện có tới 70 – 80 triệu con gà công nghiệp tại các tỉnh phía Nam đến tuổi xuất bán nhưng ứ trong trại vì tắc đầu ra. Nuôi trong chuồng hay thả dưới ao chỉ được thời gian ngắn. Sau 19 ngày để cắt kháng sinh và sau khi hết kháng sinh là sức đề kháng rất yếu. Nhà máy giết mổ mà ngưng hoạt động thì đầu ra con gà gặp khó liền.
Ông Quyết đề xuất nên phải có chích sách ưu tiên tháo gỡ khâu giết mổ, cho mở lại các cơ sở giết mổ vệ tinh. Tổ công tác Bộ NN&PTNT cần đề xuất có chính sách ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ hỗ trợ người nuôi gà trong thời điểm khó khăn này.
“Ngoài ra, hiện nay vận chuyển có quá nhiều chốt, giờ mọc thêm chốt ở mỗi xã, phường, kiểu này tiêu thụ con gà thêm khó khăn”, ông Quyết nói.
Cá tra cũng là mặt hàng đang lo đầu ra tại các tỉnh ĐBSCL. Đối với ngành thủy sản, ĐBSCL là vùng sản xuất có sản lượng thủy sản tập trung chủ yếu, chiếm khoảng 70% của cá nước gồm cá tra là 1,55 triệu tấn, tôm 780.000 chiếm 85% tấn, các sản phẩm khác là 1,74 triệu tấn chiếm 47% toàn quốc.
Cá tra tại các tỉnh ĐBSCL cũng lo đầu ra giảm vì các nhà máy chế biến giảm công suất.
Đại diện Công ty Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cho biết hiện các tỉnh đang giãn cách trong khi phải bắt cá tra tại nhiều tỉnh, vì vậy rất cần các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có chỉ đạo thông suốt nếu không rất khó khăn. Chính sách “3 tại chỗ” nên công ty chỉ làm được 50% công suất. Công ty đề xuất sớm tiêm vaccine cho công nhân để sớm trở lại hoạt động bình thường.
Chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các Sở NN&PTNT cần triển khai, quan tâm giao quyền chủ động cho Sở NN&PTNT để tập hợp danh sách công nhân, nông dân ra đồng để tiếp tục sản xuất. Liên hệ với địa phương tạo điều kiện tiêm vaccine.
Theo thứ trưởng Nam, các nhà máy giết mổ đóng cửa cần phải có các nhà máy, giải pháp khác nếu không sẽ không có thịt. Sở NN&PTNT địa phương cần có đường dây nóng để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Sản xuất lương thực thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực không thể dừng được mà động viên phải ra đồng nhằm đảm bảo.
“Mặt hàng gà từ 26.000 đồng/kg xuống 8.000 đồng/kg rất nguy hiểm, đang cần liên hệ có chính sách hỗ trợ làm sao kích cầu doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, tạo đầu ra cho người nuôi đang thua lỗ, nợ nần”, ông Nam nói.
(PLO)- Theo thống kê từ các tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh ở TP.HCM, tính đến tháng 7 có khoảng 40.000 cửa hàng tạp hóa phải tạm dừng hoạt động.