Kiến nghị Chính phủ phòng chống dịch bằng mô hình mới '7K+3T'

Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA), Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để phòng chống dịch COVID-19.
Công thức 7K+3T
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch SACA cho biết kể từ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4, dù đã nỗ lực vượt bậc và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt tại TP. HCM.
"Không thể tránh được lây nhiễm trong các chung cư, các khu phố với nhiều hẻm nhỏ và nhà ở chật chội san sát nhau, trong khi tâm lý chung hiện nay của người dân TP. HCM đa phần rất sợ vào những khu tập trung cách ly F1 và vào các bệnh viện điều trị F0.
Hiện nay chúng ta không thể triệt tiêu mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng khi phải chấp nhận cho một phần F1, F0 cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự thay đổi phương án trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19", Chủ tịch SACA  đánh giá.
Cũng theo ông Hải, việc giãn cách xã hội theo chỉ thị mới của TP. HCM thực tế đang làm tê liệt hầu hết các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngành xây dựng nói riêng.
Giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm. Nguyên nhân do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực (kiểm soát việc ra vào của người lao động; thường xuyên phải xét nghiệm đối với lực lượng lao động: công nhân, bảo vệ, người quản lý, … ); thiếu cơ sở vật chất (phục vụ chỗ ăn, ở cho người lao động theo tiêu chuẩn) và rất nhiều khó khăn khác.
CASA cho rằng không thể dập dịch trong một thời gian ngắn khi không kiểm soát được 100% các F0, F1 mà không có sự thay đổi cơ bản về phương án phòng chống đại dịch.
"Phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” trong hoạt động sản xuất vừa qua cho thấy không đạt được mục tiêu dập dịch mà cũng không thể kiềm hãm được đà lây lan của dịch bệnh.
Nguyên nhân do vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho việc hình thành nên những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn, mà nguồn lây là do từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất (xuất phát từ việc giao nhận lương thực, thực phẩm, vật tư, nguyên liệu, thành phẩm, hồ sơ, tài liệu… hoặc F1 chuyển thành F0 ngay trong khu sản xuất)", SACA phân tích.

CASA đề xuất “công thức 7K+3T” phòng chống dịch. (Ảnh: CASA)

Vì vậy, SACA đề xuất người dân và doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch bằng “công thức 7K+3T”, khi mà khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước” và “thông điệp 5K” trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ và còn mang tính thụ động.

7K bao gồm “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc”.
Về phía chính quyền TP. HCM, SACA cho rằng cần có tài liệu hướng dẫn người dân thực hành 3T; đồng thời có đội ngũ hỗ trợ, giám sát việc thực hành 3T; đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn thành phố.
Sử dụng các điểm tổ chức bầu cử để tiêm vaccine
Về công tác tiêm vaccine, SACA kiến nghị trước mắt, cần tập trung tiêm chủng cho toàn bộ người dân TP.HCM và Hà Nội.
Cụ thể CASA đề xuất biến những điểm bầu cử thành những điểm tiêm phòng cho những người có sức khỏe và cơ địa bình thường, không có nguy cơ bị sốc phản vệ.
"Sử dụng các điểm tổ chức bầu cử tại các địa phương trên cả nước để làm điểm tiêm phòng là cách nhanh nhất để huy động nguồn lực sẵn có tại các điểm bầu cử trước đây. Công tác truyền thông, hướng dẫn người dân đến địa điểm tiêm chủng cũng rất dễ dàng", SACA  nhấn mạnh.

DN tiêm vắc xin cho công nhân. Ảnh: QH

Theo tính toán của CASA, ước tính mỗi khu phố có thể có 2-3 điểm bầu cử, tương đương 2 – 3 điểm tiêm chủng. Mỗi quận có từ 20 – 25 phường. Mỗi phường có 3 – 5 khu phố.
Như vậy toàn thành phố với 18 quận và 1 thành phố trực thuộc sẽ có không dưới 2.000 điểm tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm chủng không cần tập trung quá đông người, mà mỗi ngày tiêm khoảng 200 người/điểm tiêm chủng.
Như vậy, với 2.000 điểm sẽ phục vụ được 400.000 người. Mỗi tháng có 26 ngày tiêm thì sẽ tiêm được 10.400.000 người.
“Mỗi người sẽ được tiêm mũi thứ 2 vào 4 tuần kế tiếp, thì khoảng 2 tháng triển khai tiêm chủng đồng loạt sẽ hoàn thành việc tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ người dân TP.HCM. Mọi công tác chuẩn bị cần làm ngay với thời hạn không quá một tháng và công tác tiêm chủng đại trà sẽ được thực hiện trong khoảng 2 tháng.
Theo phương án này, công tác tiêm chủng cho toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được hoàn tất nội trong tháng 10-2021. Trong thời gian chuẩn bị triển khai công tác tiêm chủng đại trà này, vẫn tiếp tục công tác tiêm chủng theo kế hoạch đã lập”, CASA nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm