Lao động Việt lạc quan chuyển đổi số mang lại nhiều việc làm

Adecco, nhà cung cấp các giải pháp nhân sự tại Việt Nam vừa phát hành kết quả khảo sát về sự sẵn sàng trong chuyển đổi số của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Kết quả khảo sát cho thấy, 9/10 NLĐ Việt Nam (87%) cho rằng họ đã sẵn sàng cho kỉ nguyên 4.0. 59% người nhận họ có các kĩ năng số cần thiết cho công việc. Thậm chí, ¼ NLĐ xác nhận họ có các kĩ năng số nâng cao.

Adecco nhận xét NLĐ Việt Nam rất lạc quan về tác động của tiến bộ công nghệ đối với công việc của họ. 48% tin rằng kỉ nguyên số sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn và 42% nghĩ rằng tự động hóa sẽ giúp giảm bớt một số công việc thủ công. Chỉ 3% NLĐ lo lắng robot sẽ lấy đi công việc của họ.

Phía Adecco đánh giá trong bối cảnh doanh nghiệp ở Việt Nam nỗ lực phục hồi sau đại dịch, thị trường lao động cũng đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các nền tảng trực tuyến. Đáng chú ý, các hoạt động hàng ngày trước đây đã trở thành làm việc từ xa, giải trí trực tuyến, thanh toán điện tử và thương mại điện tử.

42% người lao động nghĩ rằng tự động hóa sẽ giúp giảm bớt một số công việc thủ công. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Các chuyên gia Adecco phân tích, 29% doanh nghiệp vừa và 31% doanh nghiệp nhỏ nhận biết khá rõ về năng lực của từng nhân viên, so với 22% doanh nghiệp lớn. Từ đó, lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ (tương ứng 40% và 31%) phản hồi thúc đẩy các kĩ năng số, nhiều hơn 24% so các công ty lớn.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kĩ thuật số ở một số doanh nghiệp lớn đang tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, 30% các công ty quy mô lớn đang hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu và 35% đang cải thiện hiệu suất của nhân viên bằng các công nghệ mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ là 22% - 27%.

Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam và Malaysia, nhận xét các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số để duy trì tính cạnh tranh. Qúa trình này đòi hỏi sự tham gia của toàn tổ chức, trong đó phát triển năng lực lãnh đạo, huấn luyện và nâng cao kĩ năng là cách để giải quyết thách thức này.

Còn các doanh nghiệp lớn cần nhiều thời gian để thực hiện đào tạo do số lượng nhân viên khá đông. Để đo lường và cải thiện tốt hơn năng lực kỹ thuật số của nhân viên, các doanh nghiệp nên thực hiện đánh giá cho từng bộ phận, đánh giá đầu vào cho nhân viên mới và đặt chỉ tiêu về kĩ năng số cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm