Sáng 31-1, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì nhóm chuyên đề 1, góp ý cho báo cáo chuyên đề Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phân tích sâu về không gian đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận ngoài khu vực trung tâm, TP.HCM còn có TP Thủ Đức là đô thị tiềm năng, có khả năng đột phá nhanh trong tương lai.
“Vị thế TP Thủ Đức rất đặc biệt vì đại diện cho TP.HCM hợp tác với ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu” - ông Sơn nói và cho biết trục liên kết của “tứ giác” này rất đặc biệt, kết nối đa dạng từ hàng không, cảng biển, đường bộ, cao tốc, đường sắt…
KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý có thể xây dựng thêm hai TP trong TP khác, có tiềm lực phát triển tương đương TP Thủ Đức. Trong đó, lấy trục đường cao tốc số 1, chia đôi huyện Bình Chánh, lập TP phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một nửa huyện Bình Chánh; TP phía Bắc gồm huyện Hóc Môn, Củ Chi và một phần huyện Bình Chánh còn lại.
“Như vậy TP sẽ có một TP trung tâm và ba TP vệ tinh” – ông nói và nhấn mạnh với việc chia tách này, ngoài TP Thủ Đức thì TP.HCM sẽ có thêm TP phía Nam phát triển kinh tế biển và TP phía Bắc kết nối phát triển với Campuchia cùng các tỉnh ĐBSCL.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh với định hướng này sẽ giúp TP.HCM phát triển kinh tế hai con số.
Cũng tại hội thảo, lãnh đạo các tỉnh nêu lo lắng về tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho hay quy hoạch mạng lưới giao thông của “Vùng TP.HCM” hiện có Vành đai 3, Vành đai 4 đang đầu tư và một số tuyến cao tốc như TP.HCM - Chơn Thành đã có dự án, đường TP.HCM đi Đức Hoà – Long An.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đang định hướng, đưa vào quy hoạch tỉnh, đề xuất TP.HCM cập nhật, kết nối quy hoạch vùng một số tuyến đường để giảm tải ùn tắc giao thông, giúp việc đi lại giữa các địa phương trong vùng được thuận lợi. Trong đó, Bình Dương dự kiến đề xuất TP.HCM làm Vành đai 5 thuộc TP.HCM, kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Dành, nếu không đầu tư Vành đai 5 từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn rất lớn trong tương lai.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng chia sẻ để có mặt ở TP.HCM đúng 8 giờ sáng nay, đoàn công tác tỉnh Tây Ninh phải đi từ 4 giờ để kịp ăn sáng, di chuyển.
“Nếu đi 5 giờ thì không kịp ăn sáng mà còn có nguy cơ trễ họp” – ông Thắng nói và nhìn nhận vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng đang là nhu cầu bức bách. Bởi với cự li chỉ khoảng 100 km từ Tây Ninh đi TP.HCM nhưng đã tiêu tốn khá nhiều thời gian.
Ông Thắng đề nghị TP.HCM ưu tiên, dành nguồn lực phát triển cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, tuyến Xuyên Á và nghiên cứu phát triển đường sắt kết nối các tỉnh, thành lân cận…