Thông tin này là dựa trên một tài liệu vừa được công bố của tòa án, trong đó Apple nói rằng từ đầu tháng 10-2015, hãng này đã nhận được lệnh truy cập dữ liệu của 12 thiết bị, từ iPhone 3 cho đến hai chiếc iPhone 6 Plus.
Trong tài liệu, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết danh sách 12 thiết bị này là hoàn toàn xác thực và cho biết thêm rằng bộ tìm thấy “ít nhất một lệnh All Writs Act (tạm dịch: Luật ban hành bất cứ lệnh nào cần thiết của tòa án) để lấy được dữ liệu trong một chiếc iPhone.
Tin tức về tài liệu của tòa rộ lên vào ngày thứ Sáu, cũng là hạn chót để Apple đưa ra quyết định về lệnh của tòa án liên bang trong vụ điều tra San Bernardino.
Vào thứ Tư, Theodore J. Boutrous Jr., một luật sư chuyên về nhân quyền và cũng là luật sư chính đại diện cho Apple trong vụ này, đã chia sẻ với tờ The Associated Press là hãng này sẽ nói với các thẩm phán rằng mọi việc nên được quyết định bởi Quốc hội chứ không phải tòa án liên bang.
PV Alina Selyukh của NPR tường thuật lại rằng: “FBI đang lạm dụng một đạo luật có tên là All Writs Act ra đời vào năm 1789 thường được sử dụng để buộc các công ty hợp tác điều tra.
Và Boutrous cũng nói với tờ The Associated Press rằng Apple đang lên kế hoạch tranh luận rằng đạo luật trên chưa bao giờ được dùng để buộc một công ty viết phần mềm cả”.
Trong tài liệu của tòa án, Apple cho biết yêu cầu giúp truy nhập thiết bị là do các văn phòng luật sư tại nhiều bang đưa ra, bao gồm New York, Illinois, Massachusetts và California.
Hãng này cho biết việc chấp hành lệnh đồng nghĩa với việc phải tạo ra một phần mềm công cụ khiến hàng triệu chiếc điện thoại iPhone có nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư.
Tài liệu của tòa cho biết Apple đã nhận được nhiều yêu cầu từ Cục Điều tra liên bang giúp bẻ khóa hơn 12 thiết bị.
Một luật sư của hãng công nghệ này, Marc Zwillinger, đã nộp một danh sách các lệnh của chính phủ vào ngày 17-2. Hành động này nhằm đáp trả yêu cầu của tòa án liên bang tại New York. Chính phủ trả lời báo chí vào thứ Hai và danh sách của Apple được công bố vào thứ Ba.
Yêu cầu của tòa án New York là tâm điểm dư luận trong một thời gian dài; trong một ghi chú trong tài liệu gửi tòa án, Apple cho biết trước khi tòa án đưa ra yêu cầu không lâu, hãng này cũng nhận được thêm ba lệnh nữa: hai lệnh từ Ohio vào ngày 24-9-2015 và một lệnh từ Illinois vào ngày 6-10-2015.
Trong khi bốn lệnh liên bang được Apple liệt kê là trước vụ tấn công ngày 2-12-2015 tại San Bernadino, California thì theo như tài liệu của Apple, đến ngày 9-12 thì hãng này lên tiếng phản đối các lệnh trên.
Trong tài liệu gửi tòa án New York, Zwillinger cũng dẫn chứng vụ kiện đang diễn ra tại California, tòa án liên bang của bang này đã lệnh cho Apple hợp tác điều tra với FBI để bẻ khóa mật khẩu bảo vệ của một chiếc iPhone 5C xuất hiện trong cuộc xung đột của Syed Rizwan Farook và vợ của gã, Tashfeen Malik.
Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh luận về tính đúng sai của Apple và FBI. Vào tuần này, người đứng đầu FBI James Comey kêu gọi hai bên bình tĩnh lại và cần có một cuộc trò chuyện về chủ đề công nghệ, quyền riêng tư và bảo mật.
Apple cho biết hãng này mong muốn FBI rút lại các lệnh của mình và mong muốn chính phủ thành lập một hội đồng về “trí tuệ, công nghệ và quyền tự do công dân” để bàn về tính cần thiết của việc thực thi luật pháp, an toàn quốc gia và quyền riêng tư cá nhân.