Ngày 28-1, Mỹ chính thức thông báo truy tố Tập đoàn công nghệ Huawei và Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu về các tội ăn cắp bí mật công nghiệp, lừa đảo ngân hàng, gian lận chuyển tiền, và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti xác nhận Mỹ đã chính thức gửi yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh.
Báo The New York Times dẫn cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Huawei nói dối chính phủ Mỹ và 4 tập đoàn tài chính đa quốc gia từ năm 2007.
Cáo trạng dẫn một đoạn phỏng vấn giữa một số đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) với ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập Huawei, cha bà Mạnh - vào khoảng tháng 7-2007 cho thấy ông Nhậm nói rằng Huawei tuân thủ mọi luật lệ của Mỹ và không giao dịch trực tiếp với bất kỳ công ty Iran nào.
Bà Mạnh liên quan trực tiếp chuyện làm ăn với Iran
Cáo trạng cũng dẫn nội dung điều trần của một lãnh đạo Huawei trước Quốc hội Mỹ năm 2012 rằng các hoạt động làm ăn của công ty này với Iran không vi phạm trừng phạt của Mỹ với nước Cộng hòa Hồi giáo. Vị lãnh đạo này tên Charles Ding, một phó chủ tịch cấp cao của Huawei.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo về việc truy tố Trung Quốc và Huawei ngày 28-1. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cáo trạng cũng đưa ra một tập tin được tìm thấy trong một thiết bị điện tử bà Mạnh mang theo lúc đến Sân bay Quốc tế Kennedy ở New York vào năm 2014.
Bà Mạnh bị tạm giữ 2 tiếng đồng hồ, theo một nguồn tin biết về vụ việc và đề nghị không nêu tên vì vụ việc chưa được công khai. Trong hai tiếng này, thiết bị điện tử của bà Mạnh bị tạm thời tịch thu.
Theo cáo trạng, tập tin trong thiết bị điện tử của bà Mạnh chứa “các điểm đối thoại đề xuất” về quan hệ giữa Huawei và Skycom – công ty mà các công tố viên cho rằng Huawei đã sử dụng như một chi nhánh không chính thức của mình để giao dịch với Iran. Cáo trạng cho biết Skycom thuê ít nhất một nhân viên là công dân Mỹ ở Iran, vi phạm luật Mỹ.
Huawei bị Mỹ truy tố tập đoàn các tội ăn cắp bí mật công nghiệp, lừa đảo ngân hàng, gian lận chuyển tiền, và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Ảnh: CNN
Sau khi biết được Mỹ điều tra hình sự mình năm 2017, Huawei đã hủy các chứng cứ và cố gắng di chuyển các nhân chứng biết về công việc làm ăn của mình với Iran về Trung Quốc, ra khỏi tầm với của chính phủ Mỹ.
Xâm nhập phòng thí nghiệm công ty Mỹ, ăn cắp robot
Cáo trạng cũng đề cập đến chuyện Huawei ăn cắp bí mật thương mại của nhà khai thác mạng không dây T-Mobile của Mỹ. Cáo trạng trưng các email nội bộ mô tả âm mưu ăn cắp thiết bị thử nghiệm từ một phòng thí nghiệm của hãng T-Mobile ở TP Bellevue, bang Washington.
Huawei nói rằng các nhân viên của mình tự ý hành động vì muốn tìm hiểu thêm về một robot có tên Tappy mà T-Mobile dùng để thử nghiệm điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cáo trạng dẫn nhiều email trao đổi giữa các kỹ sư Huawei cho thấy kết luận này không đúng. Cụ thể các kỹ sư Huawei đã đề nghị những ai có thể tiếp cận Tappy chú ý tìm hiểu, đánh giá về robot này.
Sau đó, một kỹ sư Huawei đã lẻn vào phòng thí nghiệm nơi đặt robot Tappy với sự giúp đỡ của các nhân viên Huawei khác có khả năng tiếp cận phòng thí nghiệm này. Kỹ sư này bị bắt gặp và bị đuổi ra, nhưng sau đó lại quay trở lại, theo cáo trạng.
Một nhân viên Huawei đã lấy đi một cánh tay của robot Tappy để về nghiên cứu sâu hơn, cáo trạng cho biết. Điều tra của Huawei về vụ việc kết luận có sự hợp tác giữa các kỹ sư Huawei trong vụ này, nhưng không đáng kể.
Cáo trạng cũng dẫn một chương trình Huawei phát động năm 2013 có nội dung treo thưởng cho các nhân viên ăn cắp thông tin mật từ các đối thủ. Các nhân viên được chỉ đạo đưa thông tin chương trình này lên một trang web nội bộ Huawei, hoặc báo các trường hợp đặc biệt đến một địa chỉ email được mã hóa. Nhân viên nào ăn cắp được thông tin giá trị nhất sẽ được thưởng thêm.