Ký sự rừng sâu - Bài 4: Phận... kèo dưới của các chàng trai Ê Đê

Ở đâu phụ nữ chẳng cần ngày 8-3? Ở đâu kêu gọi bình đẳng giới là chuyện thừa? Chính là ở vùng sâu, vùng xa Đắk Lắk, trong những gia đình tộc người Ê Đê. Luật tục hôn nhân mẫu hệ của người Ê Đê ngày nay vẫn giữ nguyên giềng mối theo truyền thống nhưng mềm mại và ấm áp tình thân hơn.

Đánh vợ bị phạt con heo 50 kg

Chị H’Khăm Lâm (tức Ami Pheng) năm nay 43 tuổi nhưng có đến hơn 20 năm làm vợ, làm mẹ. Ai bảo phụ nữ chân yếu tay mềm, H’ Khăm Lâm nói không chỉ riêng chị mà nhiều ami (mẹ) khác, ngay từ thời con gái đã bổ củi, xẻ gỗ, bắn nỏ ầm ầm. Cưới chồng về, khi được cha mẹ cho đất cất nhà riêng cho hai vợ chồng, một tay chị dắt voi kéo gỗ lợp nhà. Anh Y Đeng Byă, chồng chị, cũng là người cùng buôn Giang Lành, xã Krông Na. Anh hiền lành, ít nói, hay lam hay làm, trái ngược với chị Khăm Lâm miệng chị lúc nào cũng cười tươi như hoa, xốc vác theo kiểu miệng nói tay làm. Chị là trụ cột trong nhà, chồng đi làm kiếm tiền đem về cho chị cất giữ. Anh đi đâu cũng buộc phải báo cho chị biết. Anh làm gì được tiền cũng phải đem về đưa hết cho vợ. Anh muốn đi đâu thì phải xin tiền vợ.

Anh Y Đeng Byă cho hay việc lớn nhỏ gì trong nhà cũng do chị quyết định, từ sửa cái nhà, mua miếng đất cho con gái, đem con bé nhà Ami Bống về làm con nuôi, thay mặt người trong buôn mổ heo cúng bến nước… “Nhưng tôi tôn trọng ông chồng mình lắm, mặc dù tôi là người quyết định sau cùng nhưng trước khi muốn làm chuyện gì tôi cũng bàn bạc với chồng, không như mẹ tôi ngày xưa” - chị Khăm Lâm tiếp lời chồng.

Hàng xóm của chị H’Khăm Lâm, nhà Ami Ni Sân, hai vợ chồng đều thích uống rượu. Đôi ba ngày họ lại lôi bình rượu cần hay hũ rượu thuốc ra lai rai với nhau. Ami Ni Sân nết nhậu lành, say thì nằm ngủ nhưng ông chồng thì ngược lại, cứ xỉn lại kiếm chuyện chửi bới. Anh chửi bản thân, chửi vợ con đến chửi cả cha mẹ vợ. Ami Ni Sân nghe điếc tai, bực mình quăng áo quần của chồng ra sân. Có điều lạ là lúc đó dù ông chồng đang say hay đã tỉnh rượu cũng đều răm rắp, cụp mắt ôm đồ bước ra khỏi nhà, trở về nhà cha mẹ đẻ. Đợi dăm hôm, khi biết vợ nguôi cơn giận, Ma Ni Sân lại len lén trở về, năn nỉ vợ cho vào nhà.

Có lần Ma Ni Sân say, không chỉ chửi mà còn ném cái tô sành trúng trán vợ u đầu chảy máu. Ami Ni Sân nổi khùng quyết dạy cho ông chồng bài học, liền đi thưa chuyện với già làng. Kết cuộc cha mẹ Ma Ni Sân phải mang một con heo 30 kg và một ché rượu cần nộp phạt cho con mình. “Đó là tôi còn thông cảm, chứ đáng lẽ phải cho ông ấy chịu phạt con heo 50 kg” - Ami Ni Sân nói. Vụ phạt có tác dụng tốt, từ đó ông chồng thích giở chứng không dám “ra tay” với vợ nữa.

Chị H’Khăm Lâm kể câu chuyện chị làm trụ cột trong nhà bằng cả tấm lòng người vợ, người mẹ. Ảnh: HT

Ngoại tình: Tha hồ bị nhục mặt, tốn trâu

Ngoại tình dĩ nhiên là tội nặng và càng nặng với người Ê Đê. Ngày nay chuyện đàn ông, phụ nữ đang có gia đình mà đi cặp bồ không hiếm. Nếu người dưới xuôi văn minh nhưng phải khốn khổ tìm được chứng cứ vợ hoặc chồng mình ngoại tình thì mới được pháp luật can thiệp… nhẹ hều thì tộc người Ê Đê may sao có già làng giữ kỷ cương, đạo nghĩa vợ chồng cho mỗi mái nhà trong buôn. Chỉ cần vợ hoặc chồng bắt gặp người kia ngoại tình và đi tố với già làng thì người phạm tội tha hồ bị nhục mặt và hao tiền tốn của.

Ma Tăy, già làng của buôn Trí, kể ông xử nhiều vụ ngoại tình trong buôn. Đầu tiên, “đương sự” bị đưa ra nhà cộng đồng của buôn, dưới sự chứng kiến của buôn trưởng và đại diện dòng tộc “đương sự” cùng rất đông người làng. Già làng cứ theo luật tục truyền miệng bao đời mà làm: Nếu người này phạm lỗi lần đầu là còn muốn quay về với vợ, với chồng thì phải chịu phạt một con heo 50 kg “bồi thường danh dự” cho chồng hoặc vợ. Còn nếu kiên quyết dứt tình, bỏ chồng, bỏ vợ lấy bồ thì phải chịu phạt một con trâu. Ngoài ra, cứ hai vợ chồng có chung bao nhiêu đứa con thì người phạm tội phải chịu phạt thêm bấy nhiêu con trâu. Mà nhiều nhà người Ê Đê thì cứ con đàn, con đống. Nếu bản thân người ngoại tình nghèo quá không nộp phạt nổi thì cha mẹ, dòng họ người đó phải gom góp, vay mượn chịu phạt thay. Cũng theo luật tục, nếu vợ chồng ngoại tình mà bỏ nhau thì dù người phạm tội là ai, con cái luôn luôn thuộc quyền nuôi dưỡng của người vợ, khỏi tranh giành quyền nuôi con như ở tòa án của người miền xuôi.

Buôn Giang Lành có Ma Phượng mấy năm trước ngoại tình, phải chịu phạt một con heo 50 kg mới được về với vợ con. Cùng buôn còn có Ma Điêu, hơn chục năm trước ngoại tình phải đền hai con trâu cho vợ cũ để lấy người tình rồi sinh sáu đứa con. Hay buôn Đôn có Ma Bít lấy người tình, bị già làng xử phải trả cho nhà vợ một… con voi ba sải tay, tức cao 1,2 m và ba con trâu cho ba đứa con.

Được vợ cưới cũng… buồn

Y Linh Thái Byă, chàng trai 23 tuổi, con trai của chị H’Khăm Lâm, mới lấy vợ vào tháng 6 năm ngoái. Lẽ ra Linh Thái phải sang ở nhà vợ sau ngày cưới nhưng Thái được cha mẹ xin cho ở lại nhà đúng một năm. Đến tháng 6 năm nay, Thái phải về ở nhà vợ mãi mãi. Nếu trước đây đôi lúc Thái còn lười nhác, cậy vào cha mẹ thì gần một năm qua Thái siêng năng chăm cho 3 ha đất rẫy trồng quýt ngọt và bưởi da xanh cùng 1,5 ha đất ruộng của nhà mình. Việc nặng nhẹ trong nhà từ giết heo, bổ củi, nấu cơm… cứ làm được gì là Thái xắn tay làm hết. “Nghĩ tới công ơn cha mẹ, nghĩ tới cảnh mình sắp mãi mãi làm người của nhà người ta mà tôi thấy thương cha mẹ mình quá” - Linh Thái tâm sự.

Chưa có thống kê chính thức nhưng rõ ràng số vụ ly hôn ở các buôn làng người Ê Đê thấp hơn so với các buôn làng của các tộc người khác. Quyền lực thuộc về người đàn bà nhưng ít có cảnh “vợ chúa, chồng tôi”. Một trong những người đàn bà quyền lực đó, chị H’Khăm Lâm, những ngày qua chạy xấp chạy ngửa chăm lo cho ông chồng bị té xe đến gãy cả xương má. Và nhắc đến Y Linh Thái, trái tim người mẹ lại rung lên, khoe con trai mình giỏi giắn ra sao và quệt nước mắt nói về nỗi nhớ một khi không lâu nữa chị phải xa con đằng đẵng.

Gom hết của cải mới cưới được chồng

Chị H’Khăm Lâm có ba con thì hai đã có vợ, có chồng. H’Khăm Pheng Byă, con gái chị, đang học lớp 11 thì bập vào yêu đương với chàng trai học cùng lớp, cũng là người cùng buôn rồi nghỉ học. Con yêu muốn cưới chồng thì chị lo cưới cho con. Người Ê Đê có tục thách cưới ngược với người Kinh, tức nhà gái phải lo sính lễ cho nhà trai. Lễ vật mà nhà trai thách cưới nhà chị gồm một con heo 30 kg và một ché rượu cúng cho mẹ chồng, một con heo 20 kg và một ché rượu cúng cho cha chồng. Còn dòng họ nhà trai  do đông quá nên thay vì cúng cho mỗi người một con gà và một ché rượu theo luật tục, chị Khăm Lâm xin nhà trai cho nhà gái được thay thế bằng một chai bia và 20.000 đồng cho mỗi người. Số người trong dòng họ cũng được nhà trai châm chước chỉ lấy người đại diện cho các chú, các bác, các dì, các dượng… của chú rể. Chị Khăm Lâm cho biết nhiều gia đình người Ê Đê ngày nay cũng linh động trong thách cưới và nộp lễ vật như nhà chị và nhà sui gia. Chị nói thêm: “Tôi biết có những đám cưới mà lễ vật phải đúng theo luật tục thì nhà gái rất khổ. Nhà gái phải tốn kém quá nhiều. Cưới chồng cho con xong rồi thì nhà bị nợ nần tứ tung”.

Chi phí bữa tiệc cưới cho con gái như chị Khăm Lâm cho biết: “Tôi lo hết mọi thứ”. Lễ cưới của con gái chị diễn ra đúng tục cột chỉ tay của người Ê Đê: Một nắm cơm, một trứng gà luộc bóc ra để trên bàn tay của cô dâu chú rể, bên dưới là cái khay đặt chùm chỉ. Anh em, dòng họ hai nhà xúm quanh cô dâu chú rể, lần lượt cột chỉ vào tay họ và trao tiền tượng trưng chúc phúc 20.000-50.000 đồng cho đôi vợ chồng mới. Sau thời gian con rể ở cùng nhà, chị Khăm Lâm mua đất, dựng căn nhà riêng cho vợ chồng con gái ở đối diện cổng vườn quốc gia.

_____________________

Đón đọc Chủ nhật 3-4 - Bài cuối: Già làng ngày nay

Chuyện một già làng với uy tín gần 20 năm nay khiến tất thảy người trong buôn phải kính nể, kể cả thanh niên xuống TP học cao hiểu rộng. Những vụ xử ly kỳ, những rắc rối của người làng có khi xử ba lần chưa xong, có lúc phải “huy động” nhiều già làng khác cùng hợp sức, hợp trí…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm