“Làm sếp” của sếp

Sếp liên tục thay đổi kế hoạch đến nỗi chẳng ai còn biết mình phải làm gì mới đúng
Nếu bạn đã có một công việc rất tuyệt, và điều duy nhất khiến bạn ngán ngẩm mỗi sáng đi làm lại là… sếp, thì sao? Bạn đã bao giờ…Treo status đá đểu sếp trên Facebook, Yahoo.Vui như tết khi nghe tin sếp đi công tác dài hạn. Viết đơn xin nghỉ việc với lời lẽ hùng hồn buộc tội sếp, dù xong rồi thì xóa. Khó ở/ phát bệnh mỗi lần bị sếp gọi vào phòng giáo huấn. Từng chuyển việc vì không chịu nổi sếp. Tự nhủ “tôi sẽ làm sếp tốt hơn sếp”.


Khi bạn cảm thấy sếp đang tạo quá nhiều sức ép lên mình, thì có thể sếp cũng đang phải chịu một sức ép gấp nhiều lần như vậy từ cấp trên. Đừng làm một chuyện viên-than-thở, hãy trở thành người quản lý sếp. Bạn sẽ là cánh tay phải của sếp, được sếp tin cậy trao quyền, và cuối cùng là trở thành sếp. Đây là kế hoạch mật gồm 3 bước dành cho bạn.


Bước 1: Quản lý sếp
Sếp cũng là con người, cũng có lúc phát khùng vì bận rộn và chẳng nhớ ra mình phải làm gì nếu quên đem theo sổ cầm tay. Vì vậy, đừng quá thất vọng với những khuyết điểm của sếp. Hãy đứng cùng chiến hào với sếp, dù đó có là người khó ưa nhất trên đời.
Với một vị sếp camera
Biểu hiện: Yêu cầu bạn báo cáo công việc mỗi ngày, luôn âm thầm đứng sau màn hình máy tính của nhân viên, không bao giờ để nhân viên tự quyết định điều gì…


Cách giải quyết: Hãy hiểu rằng, sếp đâu có được trả thêm lương để làm những việc này. Như vậy, lý do chỉ có thể là sếp chẳng thấy yên tâm chút nào với đám nhân viên “biếng làm ham chơi”, và sợ rằng chỉ cần lơ là một chút thì mọi việc hỏng bét! Muốn thoát khỏi sự kìm kẹp này, bạn phải xây dựng được lòng tin với sếp. Đừng bao giờ trễ deadline hay nộp những bảng báo cáo làm cho có và giữ cam kết với sếp thay vì chỉ hứa rồi quên. Nếu bạn muốn tự do, thì hãy tự đặt mình vào kỷ luật.
Sếp phớt lờ bạn
Biểu hiện: Những bản kế hoạch bạn gởi sếp chỉ xuất hiện vào lúc thanh lý giấy vụn cho công ty, mail góp ý của bạn không được trả lời và sếp chẳng buồn gọi bạn phát biểu trong cuộc họp.
Giải quyết: Nếu bạn không làm gì thực sự đắc tội với sếp, thì lý do có thể là sếp quá bận, hoặc những góp ý của bạn quá dài dòng, hoặc cả hai. Cách giải quyết cũng đơn giản thôi, gửi những email trình bày ngắn gọn mục tiêu và cách thực hiện. Nhắc sếp 3 ngày một lần cho đến khi bạn nhận được phản hồi, và nhờ sếp chỉ ra những sai lầm của bạn. Nói chung hãy cầu thị và đôi lúc cứ “mặt dày” với sếp.
Sếp đưa ra những yêu cầu quái đản
Biểu hiện: Sếp liên tục thay đổi kế hoạch đến nỗi chẳng ai còn biết mình phải làm gì mới đúng và rồi chính sếp lại bảo rằng chẳng nhân viên nào làm việc ra hồn.

Giải quyết: Có thể sếp cũng đang bị stress vì “Đại Boss” cứ 2 tiếng một lần lại gọi xuống thay đổi chỉ thị, và ngay cả sếp cũng không biết mình phải làm gì. Hãy thông cảm cho sếp trong cơn khó ở này, nhưng về lâu dài thì bạn cần phân biệt rõ điều sếp thực sự cần với điều sếp yêu cầu bạn. Chẳng hạn như “Tuần này hãy làm thêm giờ” có nghĩa là “Năng suất làm việc của chúng ta chưa cao”, còn “Bảng kế hoạch quá rườm rà” tức là “Khách hàng không muốn phải chi nhiều tiền như vậy”. Hãy luôn tâm niệm sếp không cần một nhân viên suốt ngày tỏ ra bận rộn, mà cần một nhân viên biết tạo ra lợi nhuận cho công ty.

Bước 2: Làm việc với sếp
Nhiều cô nàng cho rằng đi làm =  làm theo những mệnh lệnh của sếp. Nếu suy nghĩ như vậy, dù chuyển qua bao nhiêu công ty thì bạn mãi mãi vẫn nằm nguyên ở một vị trí: Nhân viên quèn! Muốn thăng tiến, hãy để sếp làm theo ý bạn.
Biết phong cách làm việc của sếp.

Mỗi vị sếp đều có một phong cách lãnh đạo khác nhau. Có sếp luôn thích dồn ép deadline, nhưng nếu bạn có lý do chính đáng thì vẫn gia hạn được. Có sếp khẩu xà tâm Phật, nhưng cũng có sếp nhẹ nhàng trừ ½ lương của bạn. Hãy tinh tế quan sát sếp để biết ưu điểm, khuyết điểm và các thói quen của sếp. Khi hiểu nhau rồi thì giữa sếp và bạn chỉ còn lại vấn đề chuyên môn, mọi việc sẽ nhanh gọn và dễ dàng hơn nhiều.
Ra quyết định thay sếp.

Sếp rất sợ những nhân viên kể lể hàng đống khó khăn bày vẽ ra đủ thứ hoạt động, rồi cuối cùng tóm lại bằng câu “Em sẽ phải làm gì?”. Đừng tìm sếp chỉ vì bạn cần than thở. Nếu công việc có vấn đề hãy đưa ra giải pháp. Nếu không hài lòng với một phương án nào đó, bạn có thể chỉ sếp một cách tốt hơn. Và chỉ nên gõ cửa phòng sếp để trình bày một ý tưởng, khi bạn chắc chắn rằng chính mình sẽ biến ý tưởng ấy thành hiện thực.
Nhận thêm việc.

Nếu bạn luôn nghĩ rằng sếp muốn bóc lột sức lao động của mình, thì đi làm sẽ trở thành một cực hình và mỗi tháng bạn chỉ vui vẻ được đúng vào ngày… phát lương. Bạn không chỉ làm việc cho công ty hay cho sếp, mà còn làm vì chính bản thân nữa. Càng nhiều thử thách càng trưởng thành, càng nhiều khó khăn càng thêm kinh nghiệm. Nếu sếp có thể tin tưởng ở bạn, sếp sẽ nhớ đến bạn đầu tiên mỗi khi có một cơ hội mới.
Bước 3: Trở thành sếp
Trước khi trở thành sếp, bạn phải suy nghĩ như một vị sếp. Đầu tiên là làm sếp của chính mình.
Hành động thay vì phê phán
Dù rằng phê phán thì dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng nó chẳng giúp ích gì cho sự thăng tiến của bạn. Bạn ghét sếp, vậy bạn có thể làm một người sếp tốt hơn không? Và khi nào thì bạn bắt tay vào làm?
Làm một người xoa dịu
Nếu muốn trở thành một vị sếp trong tương lai, ngay từ bây giờ bạn phải học cách bỏ qua cái tôi và hi sinh vì quyền lợi chung hay có thể hiểu theo cách khác là bỏ qua cách suy nghĩ “ăn miếng trả miếng” và tập trung vào vấn đề “làm thế nào để đem lại lợi ích chung”.
Đầu tư cho năng lực
Dù mục tiêu của bạn là một nhân viên giỏi hay một vị sếp giỏi, thì điều đầu tiên cần làm vẫn là: Nâng cao năng lực làm việc. Hãy dành ít nhất 12h/ tuần để học thêm một cái gì đó, bắt đầu bằng điều bạn thích hoặc điểm yếu nhất của bạn.
Tự tỏa sáng
Luôn có những cá nhân mà chỉ riêng sự hiện diện của họ cũng đủ khích lệ mọi người. Họ sẽ truyền cảm hứng cho mọi người, đến nỗi bạn cảm thấy “tôi sẵn sàng chi tiền để được làm việc cùng người đó”. Bạn có muốn trở thành một người có khả năng tự tỏa sáng như vậy không?
Kết
Robert Frost – người 4 lần đoạt giải Pulitzer đã từng nói rằng “Bằng cách làm việc cần mẫn tám tiếng một ngày, cuối cùng bạn cũng có thể trở thành sếp và làm việc mười hai tiếng một ngày”. Bạn thấy đấy làm sếp không đơn giản là ngồi phè trong văn phòng máy lạnh để chỉ tay năm ngón, có biệt thự mùa Hè ở Đà Lạt và ăn tối với món tôm hùm. Hãy chia sẻ khó khăn với sếp và sẵn sàng gánh vác nhiều hơn nếu bạn muốn thăng tiếng trong công việc.

 Theo 24h.com

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm